Rừng Voọc mũi hếch
16/10/2024
Vườn quốc gia Du Già được thành lập năm 2015 trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loại và sinh cảnh Voọc Mũi hếch Khau Ca. Tổng diện tích 15.006,3ha trên địa bàn ba xã: Tùng Bá, huyện Vị Xuyên; Minh Sơn, huyện Bắc Mê; và Du Già, huyện Yên Minh, tất cả đều thuộc tỉnh Hà Giang. Phần lớn (14.068 ha, chiếm 93,7%) diện tích Vườn quốc gia nằm ở xã Du Già, vì thế là một bộ phận hữu cơ của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Cá thể Voọc mũi hếch
Vườn quốc gia Du Già là khu vực tự nhiên có tính đa dạng sinh giới cao. Tại đây có 1.061 loài thực vật bậc cao có mạch của 6 ngành thực vật (chiếm 85,71% số ngành tại Việt Nam), 318 loài động vật có xương sống trên cạn, với 72 loài thú, 162 loài chim, 84 loài bò sát và lưỡng cư. Trong số này có 35 loài quý hiếm, đặc biệt là voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus).
Một góc Vườn quốc gia Du Già
Voọc mũi hếch là loài đặc hữu hẹp, chỉ thấy ở vùng Đông Bắc Việt Nam, được xếp vào loài đặc hữu hẹp, chỉ thấy ở vùng Đông Bắc Việt Nam, được xếp vào một trong 25 loài linh trưởng bị đe doạ tuyệt chủng cao nhất toàn cầu, mức “rất nguy hiểm - CR” cả trong Sách đỏ Việt Nam lẫn Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Voọc mũi hếch có lông phần lớn màu đen nhưng phần cánh tay, đùi, mặt và đầu màu trắng kem còn cổ họng màu da cam. Hiện tại, quần thể voọc mũi hếch ở Vườn quốc gia Du Già có khoảng 108-113 con, chiếm gần 50% tổng số voọc mũi hếch của Việt Nam.
Để bảo tồn và nhân rộng, giúp voọc mũi hếch khỏi nguy cơ tuyệt chủng, ngay sau khi phát hiện ra chúng tại Hà Giang. Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã phối hợp với UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm triển khai dự án bảo tồn voọc mũi hếch. Số lượng voọc mũi hếch vì thế đã tăng lên đáng kể, riêng tại rừng đặc dụng Khau Ca, từ 60 con phát hiện năm 2022 đến nay đã tăng lên 144-160 con.
Vườn quốc gia Du Già
Vườn quốc gia Du Già trên Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị sinh thái với các loài động thực vật đặc hữu. Đây còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá bản địa đậm đà bản sắc, như lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, lễ hội cầu mùa, lễ hội gầu tào, chợ phiên, chợ tình…, là những nguồn tài nguyên quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Ngọc Phượng