Di sản địa chất trên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn
Nằm
ở địa đầu địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang được chia thành ba vùng tự
nhiên rõ rệt: vùng núi thấp phía Nam, vùng núi đất phía Tây và vùng cao nguyên
phía Bắc. Trong thuật ngữ địa lý, vùng cao nguyên phía Bắc Hà Giang thường được
gọi là Cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm phạm vi của 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh,
Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở, có
độ cao trung bình từ 800 - 1.200m so với mực nước biển, có nhiều đỉnh núi cao
hơn 1.500m. Hơn 90% diện tích của cao nguyên là núi đá vôi, đặc trưng cho địa
hình karst, với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp.
Toàn bộ diện tích bề mặt của cao nguyên còn đang trong thời kỳ phong hóa, phong
cảnh kỳ vĩ với những “thạch thụ” hợp thành “rừng đá”.
Nổi
bật với những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn, những khe núi sâu và hẹp, những vách
dựng dứng cao vút, các chóp núi như những kim tự tháp, các trũng sâu hun hút,
hang động và các vườn đá tạo nên vẻ đẹp là thường, có giá trị to lớn không chỉ
về du lịch mà còn có giá trị rất lớn về khoa học và giáo dục.
Cao
nguyên đá Đồng Văn có nhiều giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất,
trong đó có nhiều di sản địa chất tầm cỡ quốc tế. Các nhà khoa học đã xác định
được khoảng 150 điểm di sản địa chất nhưng có lẽ khu vực này xứng đáng được gọi
là “Vương quốc của địa hình chóp núi đá vôi”, hoặc dạng tam giác cân như ở Quản
Bạ, Mèo Vạc hoặc dạng “mái nhà lệch”, “sách đá” đặc sắc như ở Lũng Cú, Lũng
Táo, Vần Chải của huyện Đồng Văn…
Nhiều
người có lẽ sẽ thích cái tên “Xứ sở của các hẻm vực” hơn vì Cao nguyên đá Đồng
Văn vốn bị nhiều đứt gãy chia cắt, cùng với tác động hòa tan, rửa lũa của nước
về sau mà tạo nên nhiều hẻm vực, như Tu Sản trên sông Nho Quế sâu đến 700 - 800m,
sông Miện ở Quản Bạ, Khe Lía ở Đồng Văn, hẻm vực Mậu Duệ ở Yên Minh… Ngoài hẻm
vực Cao nguyên đá cũng có rất nhiều biểu hiện đứt gãy khác, như vách đứt gãy
Lao Và Chải nổi tiếng ở Yên Minh, đá vôi bị cà nát thành bột ở Quản Bạ, các nếp
uốn, nếp oằn ở Cán Tỷ…
Trên
Cao nguyên đá cũng dễ dàng tìm thấy vô số di chỉ hóa thạch cổ sinh, như hóa thạch
Bọ Ba thùy ở Lũng Cú (Đồng Văn) cách ngày nay trên 500 triệu năm; hóa thạch Tay
cuộn ở Ma Lé (Đồng Văn) cách ngày nay khoảng 400 triệu năm; hoặc các hóa thạch
khác như Trùng thoi, Huệ biển, San hô…cách ngày nay khoảng 350 – 250 triệu năm…
Chưa kể nhiều di sản địa chất đặc sắc khác chỉ mới hình thành từ khoảng 5 triệu
năm trở lại đây, như Núi Đôi Cô Tiên, động Lùng Khúy, hang Khố Mỷ ở Quản Bạ…
Ảnh: Đinh Quang Trung
Có
thể nói Cao nguyên đá Đồng Văn tái hiện một cách vô cùng đa dạng, sinh động và
liên tục suốt khoảng hơn 500 triệu năm lịch sử tiến hóa địa chất và sự sống của
Trái đất ở đây, và vì thế mà khu vực này được UNESCO công nhận là Công viên địa
chất toàn cầu.
Nguyễn Nhung
BQL CVĐC TC CNĐ Đồng Văn