Biểu tượng “Lanh” trong văn hóa tinh thần của tộc người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang
BQL Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trân trọng gửi đến các độc giả bài viết nghiên cứu về biểu tượng “Lanh” trong văn hoá tinh thần của tộc người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, Việt Nam do nhóm tác giả ThS. Nguyễn Hoàng Hoa, ThS. Nông Thị Hoài Thương, ThS. Nguyễn Văn Duy – Giảng viên Trường Cao đẳng Sư Phạm Hà Giang nghiên cứu. Bài viết giúp người đọc hiểu về “Lanh” - biểu tượng dấu hiệu tộc người Mông; biểu tượng cho tính cách và tâm hồn của phụ nữ người Mông. Khám phá biểu tượng “Lanh” sẽ là chìa khoá mở cánh cửa văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan… của tộc người Mông. Sống rải rác trên các triền núi cao giữa thiên nhiên Cao nguyên đá, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng tộc người Mông có đời sống tinh thần phong phú, góp phần làm đa dạng văn hoá các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Cây Lanh - Loại cây gắn bó với đời sống của người Mông
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở cực Bắc Việt Nam, trải rộng trên 4 huyện vùng cao là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.354km2. Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam. Với trên 60% diện tích là đá vôi ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, Cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng với những hẻm vực sâu, vách đá dựng đứng, những “vườn đá”, “rừng đá” độc đáo, “hoang mạc đá” lởm chởm, những di sản địa chất, đa dạng sinh học, dấu tích lịch sử tiến hoá vô cùng sống động của Trái đất từ khoảng hơn 500 triệu năm trở lại đây… cảnh quan hùng vĩ khiến con người nhận thức được sự nhỏ bé của mình trước Mẹ Thiên nhiên. Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của hơn 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc ít người như: Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo, Bố Y… trong đó, người Mông chiếm khoảng 70% dân số, chủ yếu là nhóm Mông Trắng (rất ít nhóm Mông Đen, Mông Xanh và Mông Hoa). Người Mông tìm đến Cao nguyên đá Đồng Văn khai phá, định cư, thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và kiên cường bám trụ từ lâu đời. Cho dù sống giữa “hoang mạc đá” thì cuộc sống nơi đây vẫn rực rỡ sắc màu, phong phú âm điệu, thể hiện qua trang phục, tín ngưỡng, phong tục tập quán, công trình kiến trúc, các hình thức nghệ thuật dân gian, các hiểu biết về thiên nhiên trên Cao nguyên đá…
Trong những di sản văn hoá đó, không thể không nhắc đến nghề trồng Lanh, dệt vải của người phụ nữ dân tộc Mông. Từ bao đời nay, người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn luôn truyền tai nhau câu nói: “Ở đâu có cây lanh, ở đó có người Mông” để nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của cây Lanh trong đời sống người Mông. Cây Lanh không chỉ cung cấp chất liệu để may quần áo, làm vật dụng trong gia đình… Lanh đã ăn sâu vào đời sống, tín ngưỡng, tâm linh, trở thành biểu tượng văn hoá tinh thần đặc sắc của người Mông nói chung và người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng.
Từ rất sớm, người Mông đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học ở Việt Nam, thuộc nhiều chuyên ngành như: Lịch sử, dân tộc học, văn học, tâm lý học, điện ảnh, hội hoạ… các công trình khoa học này đã nghiên cứu về một khía cạnh nào đó của văn hoá và đời sống của người Mông.
Thứ nhất là các công trình nghiên cứu về nguồn gốc, lịch sử tên gọi và thời gian xuất hiện của người Mông ở Việt Nam: “Dân tộc Hmông ở Việt Nam” của tác giả Cư Hòa Vần - Hoàng Nam, “Người Hmông ở Việt Nam” của Vũ Quốc Khánh, “Người Hmông” của Chu Thái Sơn… các công trình nghiên cứu này khái quát về lịch sử di cư, các thành tố văn hoá như việc ăn, mặc, ở, tổ chức làng xã, quan hệ dòng họ, tôn giáo - tín ngưỡng…
Thứ hai là các công trình nghiên cứu về văn hoá của người Mông: “Văn hoá Hmông” của Trần Hữu Sơn, “Văn hoá tâm linh của người Hmông ở Việt Nam: Truyền thống và hiện đại” của Vương Duy Quang, “Người Hmông - với việc giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống” của Mai Thanh Sơn… nhìn chung những công trình nghiên cứu trên, các tác giả tập trung lý giải về các hiện tượng văn hoá vật chất và tinh thần của người Mông như văn hoá ăn, ở, tín ngưỡng - tôn giáo…
Thứ ba là các công trình nghiên cứu về cây Lanh, các công trình chủ yếu giới thiệu ở mức khái quát về cây Lanh, cách trồng, chăm sóc, thu hoạch Lanh và các công đoạn dệt vải lanh. Đó là các công trình:“Mấy nhận thức về trang phục Hmông” của Nguyễn Tất Thắng, “Sự đổi mới nghề dệt, may cổ truyền của người Hmông” của Quách Thị Oanh - Tạ Đức, “Hoa văn trên vải dân tộc Hmông” của Diệp Trung Bình.
Một số sản phẩm từ vải Lanh với các họa tiết đặc trưng, nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên và quy trình sản xuất thủ công dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trên mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu cây Lanh và vai trò của cây Lanh trong dệt vải, hình ảnh cây Lanh trong văn học dân gian tộc người Mông, chưa nghiên cứu chuyên sâu về vai trò của cây Lanh đối với đời sống văn hoá tinh thần của người Mông ở một khu vực nhất định. Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu biểu tượng “Lanh” trong đời sống văn hoá tinh thần của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn để tìm ra nét đẹp văn hoá độc đáo, giàu ý nghĩa. Lanh gắn bó sâu sắc với tộc người Mông trên Cao nguyên đá từ lâu đời. Nó song hành và giữ một vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, đời sống tinh thần của tộc người này. Với cây Lanh, người Mông đã tạo dựng nên một nền văn hóa sống động, không thể hòa tan vào bất kỳ nền văn hóa nào khác.
Văn hoá tộc người Mông giàu biểu tượng, biểu tượng “Lanh” trong văn hoá tinh thần tộc người Mông là cảm quan, là nhận thức được lắng đọng, kết tinh, chắt lọc trải qua bao biến cố thăng trầm vẫn không phai mờ mà ngược lại càng khắc sâu hơn vào tâm trí người Mông.
“Lanh” - Biểu tượng cho dấu hiệu tộc người Mông
Cây Lanh có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến sự sinh tồn và phát triển của tộc người Mông như là một loại cây định mệnh. Trong 17 dân tộc sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn chỉ người Mông có nghề trồng Lanh dệt vải và có tín ngưỡng về cây Lanh. Vì vậy, người Mông rất tự hào về truyền thống trồng Lanh và sử dụng vải lanh lâu đời. Lanh đã trở thành nét văn hoá riêng biệt để phân biệt và nhận diện tộc người Mông với những dân tộc khác. Lanh đã trở thành biểu tượng văn hoá tinh thần thiêng liêng gắn với cuộc đời của mỗi người Mông.
Người Mông nói chung và người Mông sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng đều có quan niệm về thế giới xung quanh một cách hồn nhiên, thô sơ. Người Mông cho rằng “Vạn vật hữu linh” (Trường Lưu và Hùng Đình Quý, 1996, tr.48). Mọi vật đều có linh hồn, từ con người đến gốc cây, hòn đá… Con người có nhiều linh hồn và linh hồn tồn tại vĩnh hằng cho nên gắn với mỗi vòng đời người là các nghi lễ và gắn với biểu tượng “Lanh”.
Khi người Mông được sinh ra, trong tập tục sinh đẻ và nuôi con thơ của người Mông có rất nhiều nghi lễ liên quan đến cây Lanh và vật dụng từ Lanh. Vải lanh dày hơn các loại vải khác, nền vải nhẵn, người Mông dùng vải lanh để may quần áo, cái địu, cái mũ… cho trẻ, vải lanh mặc ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, có độ bền cao. Theo phong tục của người Mông, từ khi sinh ra cho đến ba ngày tuổi đứa trẻ chưa được mặc quần áo mà được ủ trong cái tã cắt từ tạp dề cũ bằng vải lanh của người mẹ. Đến ngày thứ ba, gia đình tổ chức lễ đặt tên cho trẻ và mặc cho trẻ cái áo bằng vải lanh đầu tiên do người mẹ may cho. Từ đấy đứa trẻ mới chính thức được công nhận là một con người. Trong thời gian ở cữ, người Mông quan niệm hồn vía đứa trẻ còn mải chơi vô định ở đâu đó, thỉnh thoảng mới về với thân thể thoáng chốc rồi lại rong chơi, vì vậy gia đình luôn phải mặc áo vải lanh cho đứa trẻ và luôn giữ yên lặng để đứa trẻ không bị giật mình mà lạc mất hồn vía. Nếu có người lạ đến nhà, chủ nhà phải mời người khách đó ăn cơm thịnh soạn, sau bữa cơm, người khách ấy sẽ phải buộc sợi dây lanh vào cổ tay trẻ để cầu phúc cho nó. Như vậy, người Mông từ khi sinh ra đã gắn liền với lanh. Lanh đã trở thành biểu tượng chứng nhận sự khai sinh của người Mông.
Khi người Mông kết hôn, lễ cưới của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn thường được tổ chức vào mùa đông khi đã thu hoạch lương thực xong, họ kiêng cưới vào mùa có tiếng sấm. Trong các nghi lễ của đám cưới, lanh giữ một vai trò quan trọng không thể thay thế được. Trang phục cưới của cô dâu, chú rể phải được làm từ vải lanh và được thêu rất kỳ công. Hoa văn trong trang phục cưới của phụ nữ Mông chủ yếu là hoa văn hình học như: hình chữ nhật, hình thoi, hình xoắn ốc… Màu sắc chủ đạo là xanh, trắng, đen. Váy cưới có nhiều nếp gấp, mềm mại, xòe ra như cánh hoa, phần diềm váy màu đỏ thể hiện khát khao hạnh phúc của cô dâu. Mỗi bộ trang phục cưới, cô dâu người Mông phải tự tay làm từ công đoạn trồng cây Lanh, dệt vải, vẽ sáp ong, thêu hoa văn… thường phải làm trong khoảng một năm mới xong, bởi thế phụ nữ Mông rất trân trọng và giữ gìn cẩn thận. Khác với trang phục của cô dâu, trang phục của chú rể không quá rực rỡ. Chú rể thường mặc áo màu tối có hình hoa văn ở tay, quần màu đen, ống rộng. Ngoài ra, người Mông sống ở vùng Quản Bạ trên Cao nguyên đá Đồng Văn còn có tục lệ khi tổ chức hôn lễ bắt buộc phải có hai cuộn vải lanh, mỗi cuộn dài 10 m, cuộn màu trắng dành cho cô dâu, cuộn màu đen dành cho chú rể, hai cuộn vải lanh này được trải ra và cuộn lại theo các nghi lễ được thầy cúng hướng dẫn để cầu phúc. Như vậy, lanh không thể thiếu trong đám cưới của người Mông, lanh trở thành biểu tượng se duyên, làm chứng, chúc phúc cho người Mông khi họ bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời.
Khi người Mông qua đời, người Mông thường nói “đói chết cũng không ăn hạt thóc giống, nghèo rách cũng phải có váy áo lanh mặc lúc chết” (dẫn theo Trần Hữu Sơn, 1996, tr.250). Lễ tang của người Mông là một hiện tượng văn hóa đặc sắc bao gồm nhiều nghi lễ khác nhau, phản ánh quan hệ về lịch sử xã hội, cộng đồng dân tộc. Lễ tang của người Mông chia làm hai lần: làm ma tươi lúc người vừa mới chết và Lễ ma khô lúc người chết đã chôn được nửa tháng trở đi. Trong lễ tang, người Mông quy định trang phục cho người chết phải làm từ vải lanh, người đến viếng cũng phải mặc vải lanh, do đó lanh là một sản phẩm không thể thiếu. Người chết có bao nhiêu con sẽ được bấy nhiêu bộ trang phục bằng lanh do con gái và con dâu làm cho. Nhìn vào số khăn bằng vải lanh đắp lên mặt người chết ta có thể biết được người chết có bao nhiêu con. Vì thế người con gái Mông sau khi lấy chồng, ngoài trách nhiệm may quần áo cho chồng con, họ còn phải chuẩn bị cho bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng mỗi người một bộ trang phục bằng vải lanh để mặc khi qua đời. Người Mông quan niệm lúc chết phải mặc vải lanh vì chỉ có mặc vải lanh thì mới không bị lạc tổ tiên, mặc vải lanh thì ma tổ tiên mới nhận ra con cháu. Ngoài việc mặc vải lanh cho người chết, mọi nghi thức trong lễ tang của người Mông đều sử dụng sợi lanh. Sợi dây lanh là cầu nối để người chết nhận được vật hiến tế của con cháu, họ hàng, đồng thời giúp họ sang được thế giới của tổ tiên. Người Mông tin tưởng rằng sợi lanh chính là biểu tượng dẫn đường nối thế giới thực tại với thế giới của tổ tiên, thần linh.
Tóm lại, Lanh có vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của người Mông trở thành biểu tượng có sức sống mãnh liệt nhất. Từ khi sinh ra người Mông được quấn tã vải lanh, lấy vợ, lấy chồng cô dâu, chú rể phải mặc trang phục truyền thống bằng vải lanh, đến khi chết bắt buộc phải mặc quần áo bằng vải lanh, sợi dây lanh buộc vào tay người chết trở thành vật thiêng dẫn lối đưa người chết về với tổ tiên. Trong xã hội hiện đại ngày nay, người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn vẫn duy trì nghề trồng lanh, dệt lanh và mặc trang phục bằng vải lanh bởi vì các sản phẩm đó được làm từ lanh - một loài cây mang biểu tượng, dấu hiệu tộc người, nhắc nhở người Mông luôn luôn nhớ về cội nguồn và niềm tự tôn dân tộc. Lịch sử dân tộc và điều kiện sống đã sản sinh ra nền văn hoá tinh thần tộc người Mông mang đậm dấu ấn vùng Cao nguyên đá vừa khắc nghiệt vừa trữ tình.
“Lanh” - Biểu tượng cho tính cách và tâm hồn của người phụ nữ dân tộc Mông
Người Mông sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn luôn tự hào rằng, họ có hai nghề truyền thống khiến cộng đồng các dân tộc khác phải nể phục là nghề trồng lanh dệt vải và nghề rèn độc đáo. Nếu như nghề rèn chỉ dành cho đàn ông thì nghề trồng lanh dệt vải chỉ dành cho phụ nữ. Bởi vậy mỗi gia đình người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn đều dành một mảnh nương màu mỡ nhất để trồng lanh. Cây Lanh thuộc họ gai, cây Lanh trong tiếng Mông gọi là “Chaozmangx”. Cây Lanh thường được trồng vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch và thu hoạch vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 âm lịch hàng năm. Cây Lanh, ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải thì các công dụng khác như làm thuốc chữa bệnh (lá, rễ), làm phân xanh (lá), thân cây phơi khô làm chất đốt, hạt để làm bánh hoặc đốt lanh lấy tro trộn với một số chất khác làm thuốc súng, chế tạo giấy than... Từ nguyên liệu là cây Lanh, trải qua hơn 40 công đoạn được làm hoàn toàn thủ công mới có thể làm ra tấm vải lanh mềm mại với đặc điểm là đẹp, thoáng, ấm, bền, không bám bụi; phù hợp với đặc điểm địa hình (núi đá, đèo đốc), khí hậu vùng cao (lạnh), công việc (làm nương rẫy, nhiều bụi, ra nhiều mồ hôi) nên vải lanh rất được người Mông ưa dùng. Người phụ nữ Mông bắt đầu công đoạn chính là tước vỏ lanh, giã sợi, nối sợi, kéo sợi, quay sợi, nấu sợi, làm trắng, chà bóng sợi rồi lên khung dệt vải, vẽ sáp ong, thêu hoa văn… Từ vải lanh, qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông đã trở thành những bộ quần áo, váy, khăn, túi… mang tính thẩm mĩ cao. Từ cây Lanh, sáp ong và các kỹ thuật giản đơn, họ đã sáng tạo nên một nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Vải lanh được phát huy đến tầm cao của nghệ thuật hội hoạ, kỹ thuật may vá và tính biểu tượng. “Lanh” - biểu tượng cho tính cách và tâm hồn của người phụ nữ dân tộc Mông.
Khi nhắc đến phụ nữ Mông, ấn tượng đầu tiên là chiếc váy bằng vải lanh với những đường nét, màu sắc, hoa văn đặc trưng không thể lẫn với trang phục dân tộc khác. Phụ nữ Mông gắn liền với nghề trồng lanh dệt vải, bó sợi lanh như là vật bất ly thân của họ. Phụ nữ Mông rất chăm chỉ, chịu khó dù bất cứ ở đâu dù là trong phiên chợ đông đúc hay khi đi trên đường lúc nào cũng luôn tay se lanh, nối lanh…. Đây là công việc không những thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ mà còn là tiêu chí đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của người phụ nữ Mông vì thế mà người Mông vẫn thường nói “gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu, gái xinh chưa biết cầm kim là hư” (dẫn theo Mã A Lềnh và Từ Ngọc Vụ, 2014, tr.478). Phụ nữ người Mông quanh năm, ngày tháng vất vả se lanh dệt vải, lanh đã ngấm vào máu thịt họ tạo cho họ thói quen làm việc chăm chỉ cần mẫn, đôi tay khéo léo. Nghề trồng lanh dệt vải đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên tính cách người phụ nữ Mông. Vì vậy, muốn đánh giá phẩm chất, tính cách của người phụ nữ, người Mông đã lấy kỹ thuật trồng lanh dệt vải để làm thước đo. Người phụ nữ đẹp lý tưởng phải là người thông thạo làm lanh, dệt vải, thêu thùa. Ngược lại người phụ nữ bị coi là xấu khi vụng về trồng lanh, dệt vải. Chỉ cần nhìn cuộn lanh cũng có thể đoán biết được tính cách người phụ nữ. Nếu cuộn lanh trơn mượt, óng ả, gọn gàng thì đó là người phụ nữ đảm đang, cẩn thận, khéo léo. Ngược lại, nếu cuộn lanh rối bù thì đó là người phụ nữ cẩu thả, lười biếng, vụng về. Vì thế, cây lanh là hình ảnh biểu tượng cho người phụ nữ Mông, cuộn lanh phản ánh tính cách, hạt lanh là số phận của người phụ nữ Mông.
Tước sợi lanh, công việc này đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận để không làm đứt sợi, tước xong cho sợi lanh vào cối giã, nguyên tắc giã là giã cho đến khi các sợi lanh trở nên mềm mại, trơn tru, tơi ra không còn khô cứng. Sau đó sẽ tiến hành nối sợi, đây là công đoạn khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất. Người phụ nữ Mông phải tước từng sợi nhỏ bằng tay rồi nối lại theo khoảng cách có độ dài tương ứng bằng nhau, các sợi lanh được nối tỉ mỉ, gốc nối với gốc, ngọn nối với ngọn, rồi cuốn thành cuộn sợi mịn màng. Nhìn cách nối những sợi lanh mới thấy hết sự tỉ mỉ, kiên nhẫn của những người phụ Mông. Sau khi đã nối xong thành những cuộn lanh to, họ đem se sợi, làm mềm, duỗi căng sợi lanh, lên khung dệt vải… trải qua hơn 40 công đoạn và không biết bao giọt mồ hôi của người phụ nữ rơi xuống mới làm ra được một tấm vải lanh, vải lanh lại được ngâm nước tro bếp cho đến khi trở nên trắng óng ả mới thôi.
Vải lanh dùng may váy rất đẹp, váy được trang trí đẹp cũng là thước đo độ khéo tay và tâm hồn phong phú của phụ nữ Mông. Ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái đã cùng mẹ dệt lanh, học thêu, vẽ sáp ong lên váy áo. Không có một khuôn mẫu nhất định, với sự quan sát tinh tế, bằng trí tưởng tượng, đôi tay khéo léo, những người phụ nữ Mông đã không ngừng sáng tạo ra những hình khối, họa tiết, vẽ sáp ong, phối màu chỉ thêu họa tiết trang trí để tạo ra những chiếc váy đẹp độc đáo của riêng mình. Mỗi chiếc váy làm ra, thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ, đồng thời phản ánh những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông. Hoa văn là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp trang phục người Mông. Tuy vậy, hoa văn rất mộc mạc, bắt nguồn từ các câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, phong cảnh thiên nhiên, các loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp quen thuộc. Thường thấy các hoa văn dưới dạng ô nằm ngang với đường viền là hình vuông, chữ thập, hình thoi, tam giác, tròn, xoáy đơn, xoáy kép, răng cưa, đường cong, đường lượn sóng... Bên trong là các hình ngôi sao năm cánh, sáu cánh, tám cánh, hoa bí, mạng nhện, con ốc, sừng dê... Người Mông tin rằng hoa văn đẹp sẽ giúp mời gọi thần linh đến với gia đình ban phát điềm lành, xua tan điều dữ. Những hoa văn này đều có màu sắc tươi sáng, nhất là màu đỏ tạo cảm giác ấm áp cho người mặc khi đi giữa rừng sâu, núi cao, vực thẳm trong điều kiện khí hậu lạnh giá của Cao nguyên đá.
Chính cây Lanh, cách làm lanh đã tạo nên bàn tay khéo léo, tính cách nhẫn nhịn đến kiên cường, tâm hồn phong phú, nhạy cảm của người phụ nữ Mông. Lên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu hình ảnh người phụ nữ Mông, lưng đeo quẩy tấu, bước đi miệt mài với cuộn lanh trên tay vừa đi vừa tước, vừa nối, thoăn thoắt không ngừng. Vải lanh của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những sản vật quý của vùng đất này được làm hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Đối với người Mông, vải lanh không chỉ là chất liệu may mặc, lanh là của cải gia truyền phản ánh rõ nét truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, cá tính và sự giàu có của tộc người Mông. Lanh đã trở thành biểu tượng văn hoá tinh thần độc đáo của tộc người Mông.
Biểu tượng “Lanh” trong văn hoá tinh thần của tộc người Mông luôn chứa đựng những giá trị truyền thống: văn hoá, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… Những giá trị này được đúc kết và tích lũy qua hàng trăm năm lịch sử và nó đã trở thành sức mạnh, niềm tự hào của tộc người Mông. Có thể nói biểu tượng “Lanh” như một viên pha lê nhiều màu sắc phản xạ lại sự chiếu sáng khác nhau của nguồn sáng, tuỳ theo từng mặt tiếp cận với ánh sáng mà ta có thể nhìn nhận được nó ở góc độ này hay góc độ kia. Giải mã biểu tượng “Lanh” trong văn hoá tinh thần tộc người Mông là việc làm vô cũng thú vị giúp chúng ta hiểu được bản sắc văn hoá phong phú của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của cộng đồng, mỗi cá nhân trong khôi phục, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số càng đặc biệt quan trọng. Từ đó, đóng góp tích cực vào công cuộc gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Hoàng Hoa,
ThS. Nông Thị Hoài Thương, ThS. Nguyễn Văn Duy
(Giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang)
|