image bannerimage banner
Chuyện kể ở Sủng Là
Cỡ chữ Tương phản

         Cùng với “Chuyện của Pao” (tác phẩm điện ảnh năm 2006 đạt 4 Cánh diều vàng), cái tên “Sủng Là” đã bước ra ngoài bờ rào đá, bay cao hơn những con đường mòn vắt vẻo lưng chừng trời, đã trở thành một cái tên “quen thuộc” với bao nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật, đặc biệt là với các lữ khách lang thang…

anh tin bai

Thung lũng Sủng Là (Ảnh: Hà Giang Trẻ)

         Tôi đã luôn nhớ về miền đất ấy. Nỗi nhớ như một dòng suối ngầm mạnh mẽ luôn tuôn chảy trong linh hồn tôi, nhắc rằng, tôi đã đến và đã thấy, đã thở và đã sống, đã gặp và đã yêu… từ ngọn cỏ khô vương trên cánh cổng gỗ đến chiếc lồng chim choàng khăn đỏ treo trên cây hồng, từ cánh đồng tam giác mạch đang lụi tàn đến những dãy núi xanh thẫm ảo mờ trong sương sớm… Chốn biên cương nơi địa đầu Tổ quốc ấy, đã từng ghi dấu trong trái tim tôi, hai chữ: Sủng Là.

         Năm tháng qua đi vẫn không làm cho miền đất ấy đổi thay, vẫn còn nguyên đó những nóc nhà trình tường của người Mông nằm im lìm sau bờ rào đá, nắng sớm tràn về qua khe núi dệt thành tấm áo lưới óng mềm như tơ lụa, cái lạnh của rẻo cao vẫn ngấm ngầm thấm vào da thịt, và tiếng khèn Mông vẫn da diết trầm bổng dưới hiên nhà.

         Sủng Là ngày tôi qua… Có cô gái quay tơ bên khung cửi sớm bên đường. Một cách giản đơn và mộc mạc đến khó tin, chiếc khung cửi được làm từ những dóng tre khô, hình thoi và khá lớn, chu vi dễ có đến 2m, đặt lộ thiên ngay trước sân nhà. Bóng cô gái se sợi in hình dưới nắng sớm, không gian tĩnh lặng đến nao lòng, ngỡ như nghe thấy cả tiếng gió đang reo trên tầng cây, tiếng cánh hoa hồng bật nở sau bờ rào mắt cáo, tiếng trẻ con khóc lẫn trong tiếng ầu ơ vỗ về nghe như xa như gần, tiếng bước chân ra đồng lạo xạo trên bờ cỏ…

         Thung lũng giống như một người đàn bà đang cúi mặt bước trên đường, gùi cỏ nặng trĩu trên hai vai, hai đứa con đi sau lưng bén gót. Họ bước lặng lẽ dưới nắng và con gió hanh khô, lũ trẻ ngước đôi mắt trong veo im lìm nhìn người lữ khách. Dăm ba người đàn ông trong bộ trang phục truyền thống, quần ống què và áo chàm đen cúc chín nút hoa chè cứ thoắt ẩn thoắt hiện trên lối nhỏ quanh nhà, lúc lại thấy đang lúi húi trên vách núi, giữa nhấp nhô đá tai mèo xám xít.

anh tin bai

Bối cảnh phim Chuyện của Pao (Ảnh: Hà Giang Trẻ)

         Nắng vẫn chưa lên. Mà cả thung lũng đã bừng lên rạng rỡ. Tôi đi như chạy dọc con đường thênh thang vắng bóng người, hoạ hoằn mới thấy vài chiếc xe đạp hay cải tiến kéo ngang, xe máy nếu có sẽ làm chộn rộn cả khoảng không gian thanh lặng… Và đột nhiên tôi nghe, sau bờ rào gai đầy cỏ khô, sau cái ngưỡng cửa cao bằng gỗ đã bạc màu, sau bức tường đang vàng ruộm bởi nắng mới, ở trong bóng tối, có tiếng khèn Mông vẳng ra, tha thiết, gọi mời…

         Tôi e dè bước qua cái ngưỡng cửa ấy. Chàng thanh niên đang ngồi trên chiếc ghế gỗ, đồ đạc trong nhà và cũng là thứ chất đầy ngoài ngõ. Tôi cảm thấy cái sức sống mãnh liệt của những người con rẻo cao ở sau vẻ mộc mạc và chân phương ấy, như những mầm cải, cây ngô, đậu răng nghựa đang cố trỗi mình trong hốc đá, khi anh bước ra sân ngắt một chiếc lá xanh, và thổi một điệu khèn môi với thứ âm thanh vang vọng như tiếng chim hót trong rừng vắng, tích tịch và bập bùng…

         Bên kia con đường, có mấy bé gái đang nô trên cánh đồng tam giác mạch, nắng lấp lánh khiến những mảng màu ánh lên như thuỷ tinh. Tôi lang thang rẽ vào con đường nhỏ, hai bên là những hàng rào tre quây quanh thửa đất trồng hoa, theo chân đám con trai đang lúi húi khiêng ghế bàn, nồi niêu chuẩn bị cho một buổi tiệc. Giữa vườn rau xanh hiếm hoi chốn cao nguyên đá, lại gặp một mệ già đang đứng quay sợi, trên đầu là cây hồng khô trụi lá, cổng nhà he hé mở.

         Cái ngưỡng cửa cao, nhưng không khó vào, có dây kéo tự đóng lại mỗi khi có người đẩy cánh cổng để bước qua. Bên trong sân nhà, chàng trai Mông trẻ tuổi ngồi đục cột nhà mới, trong khi người bố tóc bạc, răng rụng gần hết phấn khởi chỉ cho vị khách lạc bước xem những bằng khen và tấm ảnh mà ông đã ghi dấu thời còn làm cán bộ xã Sủng Là đang trao kín bức tường cạnh khung cửa chính. Hiên nhà phơi đầy những túm ngô lúc lỉu, củi chất đầy sân, con chim nhỏ nhảy lích rích trong lồng.

         Từ hướng Yên Minh lên Đồng Văn, đứng trên đỉnh con đèo ngay ngã ba có đường đi về Phó Bảng, đó là cao điểm cực đẹp để có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Sủng Là. Đường 4C mềm như một dải lụa đào vắt ngang lòng thung lũng, hàng sa mộc kiêu hãnh vươn mình dưới ánh mặt trời, và những nếp nhà chừng như phảng phất buồn sau những bờ rào đá. Ở nơi tận cùng cực bắc ấy, Sủng Là giống như một cô sơn nữ mới lớn, vừa căng tràn sức trẻ, lại vừa mang dáng vẻ e ấp vụng về.

         Khi tôi trở lại, thì nắng đã đem những người phụ nữ quanh quẩn trong nhà bước ra hiên ngồi hóng nắng và thêu thùa. Một buổi sáng lung linh, huyền ảo và đầy mộng mị của tạo hoá. Nắng sớm, sương mai, ánh sáng, hơi thở của núi, sắc xanh của trời, tiếng rì rầm của rẻo cao… tất cả tạo nên một bức tranh Sủng Là tuyệt đẹp. Một vết khác rất sâu trong tâm hồn…

         Nơi tôi dừng chân để đặt ba lô ngồi tận hưởng không gian thanh bình của Sủng Là nằm đối diện với cánh đồng tam giác mạch bên kia đường. Tôi thấy lòng nhẹ tênh như gió, thấy rộn ràng vui khi gặp đám trẻ tan học về ngang, dăm ba những chiếc gùi qua lại, đôi chiếc xe đạp vội vàng. Tôi cũng thấy lòng vương vấn một nỗi niềm, khi gặp cô gái Sủng Là với ánh mắt buồn rười rượi, quẩn quanh cả buổi bên khung cửi, không quay một vòng sợi, không chạm một lần vào dóng tre.

         Cô gái người Mông không nói được nhiều tiếng Kinh, chỉ có thể nói với tôi rằng em đã lấy chồng. Em đứng dưới gốc hồng trơ khấc, mắt buồn xa xăm và nghĩ ngợi điều gì? Em chờ ai mà lang thang bên bờ rào đá, đơn độc đứng tỳ vai bên bức tường của căn nhà khép cửa, những ô cửa sơn xanh, sơn vàng ma mị. Tôi ngồi đây, em đứng đó… và mỗi người là một thế giới, rất riêng. Nhưng tôi biết, tôi sẽ nhớ mãi về miền đất ấy, nơi tôi gặp em, cô gái Sủng Là…

Thuỷ Trần

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 483
  • Trong tuần: 5 857
  • Tất cả: 906408

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay