image bannerimage banner
Đường Hạnh Phúc - con đường của Máu và Hoa
Cỡ chữ Tương phản

         Vào những ngày xuân tháng ba, du khách khắp mọi miền đến với Hà Giang, đắm chìm trong khung cảnh nên thơ của miền đá khát nhưng bùng nở sắc hoa. Điều thú vị nhất có lẽ là được trải nghiệm trên cung đường Hạnh Phúc, con đường mà người dân Hà Giang gọi đó là con đường của Máu và Hoa.

         Là một tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, địa hình phức tạp, là một quần thể núi non hùng vĩ, hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800 - 1200m so với mặt nước biển, đặc biệt là vùng núi cao phía Bắc của tỉnh, địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều núi cao, vực sâu, độ dốc lớn, giao thông đi lại rất khó khăn. Năm 1958, Hội đồng nhân dân tỉnh họp bàn thực hiện kế hoạch ba năm của tỉnh, trong đó chú trọng quan tâm tới phát triển giao thông vận tải cũng như nâng cao dân trí ở vùng miền núi. Tháng 3 năm 1959, Đảng bộ tỉnh quyết định thực hiện mở con đường ô tô từ Thị xã Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc theo sự chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy Việt Bắc. Sau gần bảy tháng chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật và lực lượng, ngày 10/9/1959 tỉnh Hà Giang đã tiến hành khởi công mở đường. Tham gia mở đường có trên 1.200 thanh niên xung phong đến từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kan, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương cùng hàng ngàn dân công vùng cao nguyên đá. Các đơn vị được bố trí thành từng đại đội, dựng lán trại đóng quân dọc theo tuyến đường. Mùa hè oi bức sém da, mùa đông rét thấu thịt, thấu xương, nước độc, muỗi rừng… nhưng với ý chí quyết tâm “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp bỉển. Quyết chí ắt làm nên các lực lượng vẫn bám trụ mở đường đến với đồng bào vùng cao. Không chỉ nhiệm vụ thi công mở đường, Ban Chỉ huy công trường còn phân công cán bộ đoàn viên, thanh niên ưu tú đến với dân bản tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương hiểu, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Sau hơn một năm thi công vất vả, vượt qua vách đá cổng trời, vực sâu hun hút đoạn đường đầu tiên từ Thị xã Hà Giang đến Tráng Kìm, Quản Bạ dài 60km được thông xe trong niềm vui mừng khôn xiết của đồng bào các dân tộc và niềm vui của những thanh niên, dân công tham gia mở đường. Từ đây con đường lại tiếp tục được mở tới Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Hàng ngày trên công trường khí thế thi đua lao động rất hăng say, sau mỗi ngày lao động, những kiện tướng đục lỗ choòng, phá đá, đập đá dăm được thông báo vinh danh càng làm tăng thêm khí thế thi đua lao động trong mỗi đoàn viên, thanh niên. Nhà văn Nguyễn Tuân trong chuyến thực tế tại công trường đã viết “Ai chưa đến công trường hãy đến thăm một ln cho bỉêt. Đến mà xem tận mặt những anh hùng thanh niên”. Tuyến đường càng lên cao thì càng gian nan vất vả, đoạn dốc làng Viềng qua Yên Minh đá cứng, vách núi cao, cua gấp, các đơn vị đã đưa ra sáng kiến kè đá khan để mở cua. Lực lượng mở đường ngày đêm đục đá, đẽo đá để xếp kè, có những đoạn kè cua gấp hàng trăm mét. Rồi đoạn qua đỉnh Mã Pì Lèng, đội thanh niên “Cơ Dũng” với hơn ba mươi thành viên cùng hai tấn dây thừng căng theo vách núi để hàng ngày treo mình vào vách núi đục lỗ choòng nhấn từng tấc đá. Mười một tháng trời gian lao vất vả, treo mình trên độ cao vách đá 1.500 mét so với mặt nước biển, 50 mét đến 60 mét so với mặt đường là vực sâu thăm thẳm hàng nghìn mét của sông Nho Quế. Cả ngày tám tiếng đồng hồ treo mình trên vách núi, đến bữa cơm từ trên vách núi thả dây xuống để lực lượng phía dưới chuyển lên để ăn. Kết quả sau gần sáu năm những bàn tay chai sần, những vết sẹo do đá núi khắc lên, bằng sức trẻ và trí sáng tạo, lực lượng thanh niên xung phong cùng dân công Hà Giang đã làm chủ những dụng cụ thô sơ thành công làm nên “con đường Hạnh Phúc - con đường lịch sử” từ Hà Giang đến Đồng Văn. Quá trình thi công mở đường đã có 14 thanh niên xung phong hi sinh, nằm lại cùng con đường Hạnh Phúc tại nghĩa trang Thanh niên xung phong thuộc thị trấn Yên Minh. Sự hi sinh, vất cả của các anh, các chị thanh niên xung phong cùng dân công đã mang lại chân trời mới cho đồng bào nơi vùng cao, con đường đã mở, từng đoàn xe hàng thiết yếu được di chuyển thuận tiện, ánh sáng nơi cổng trời được thắp, cái chữ lên non, mầm xanh hoa lá bung nở thắp sáng miền cao nguyên.

         Ngày 20 tháng 3 năm 1965 con đường mang tên Hạnh Phúc được khánh thành, là huyền thoại về sức trẻ của trên hơn 1.200 Thanh niên xung phong của các tỉnh Cao Bắc Lạng, Thái Tuyên Hà, Hải Dương, Nam Định và trên 1.000 dân công miệt mài lao động thủ công quên mình trong sáu năm với trên hai triệu ngày công, ba triệu m3 khối đất, đá được đào đắp, di chuyển để khai thông 185 km đường nói Thị xã Hà Giang tới Đồng Văn, Mèo Vạc.

         Năm tháng đã qua đi, nhưng con đường Hạnh phúc mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc. Những bài học về sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, giữa miền núi với miền xuôi, sự phổi hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, sự phát huy, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tổng hợp trong nhân dân... trong quá trình xây dựng công trình này vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

         Thênh thang trên con đường Hạnh Phúc, mỗi du khách đều cảm nhận về một Hà Giang gian khó hôm qua và bình yên, phát triển chào đón du khách mọi miền trong nước và quốc tế đến để khám phá những nét đẹp hùng vĩ của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đả Hà Giang cũng như tìm hỉểu về những giá trị lịch sử của một giai đoạn cách mạng hào hùng của đồng bào các dân tộc Hà Giang.

Ngọc Hoài - Sở VHTT&DL

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 657
  • Trong tuần: 6 755
  • Tất cả: 724639

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay