Hội thảo khoa học “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam”
23/11/2022
Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa ISV20, chiều 22/11, tại thành phố Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp Tiểu ban chuyên môn về công viên địa chất thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức đồng thời chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Các sự kiện được tổ chức gồm: Hội thảo khoa học “15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; Triển lãm ảnh “Kỳ quan núi lửa và Hang động núi lửa”; Lễ ký kết Biên bản hợp tác giữa các Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Việt Nam và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan - Hàn Quốc.
Hội thảo là sự kiện chào mừng cột mốc 15 năm phát triển công viên địa chất ở Việt Nam, chia sẻ những thành tựu, bài học kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển công viên địa chất.
PGS.TS Trần Tân Văn phát biểu tại Hội thảo
Đây cũng là dịp để các cơ quan Trung ương và địa phương trao đổi, tìm ra các giải pháp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với các công viên địa chất; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng; quản lý, xây dựng và phát triển công viên địa chất ở Việt Nam một cách bền vững theo tiêu chí của UNESCO.
Trong 15 năm xây dựng và phát triển, công viên địa chất Việt Nam đã có những điểm nhấn nổi bật trong Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu qua 15 năm phát triển. Hiện nay, Việt Nam có 3 công viên địa chất được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO gồm: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Hà Giang, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
PGS, TS Trần Tân Văn được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (gồm 12 thành viên) và là 1 trong 5 thành viên Ban Điều phối Mạng lưới công viên địa chất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hội thảo thông qua các tham luận về: Xây dựng công viên địa chất ở Việt Nam một số khái niệm kiến giải và đề xuất; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông quá trình hình thành và định hướng phát triển; Sự đồng hành của các nhà khoa học trong xây dựng và phát triển công viên địa chất ở Việt Nam; Hành trình 12 năm phấn đấu cho danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Mudeungsan Hàn Quốc và những thành tựu đạt được; Quá khứ, hiện tại và tương lai của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đảo Jeju; Những thách thức đối với các công viên địa chất tiềm năng ở châu Phi và châu Mỹ Latinh; Di sản địa chất và các công viên địa chất ở Nhật Bản...
BQL Công viên địa chất toàn cầu Mudeungsan - Hàn Quốc và BQL Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn ký kết hợp tác
Bên lề Hội thảo đã diễn ra triển lãm “Kỳ quan núi lửa và Hang động núi lửa” trưng bày hình ảnh, sơ đồ về các hang động núi lửa nổi tiếng ở các nước có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và Lễ ký kết giữa Công viên địa chất toàn cầu Mudeungsan - Hàn Quốc với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
BQL Công viên địa chất