image bannerimage banner
Lễ Cầu an của dân tộc Giáy
Cỡ chữ Tương phản
Người Giáy ở Hà Giang là một trong những dân tộc thiểu số gắn bó lâu đời và có bản sắc văn hóa truyền thống còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Người Giáy ở Hà Giang sống tập trung chủ yếu ở huyện Mèo Vạc, Đồng Văn và Yên Minh.
anh tin bai

Làng bản người Giáy yên bình nơi lưng chừng núi (Ảnh: Quang Chung)

Đời sống văn hóa dân gian của người Giáy khá phong phú với các phong tục thờ cúng, cưới hỏi, đặc biệt là lễ hội. Một năm, người Giáy có các lễ hội chính như: Lễ hội múa trống được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, Lễ Xuống đồng (Lễ hội Lồng Tồng), Lễ cúng cơm mới,… Trong các lễ hội đó, Lễ Cầu an là một nét văn hóa đặc trưng của người Giáy ở huyện Mèo Vạc, được tổ chức vào nhiều dịp trong năm.

Lễ Cầu an là dịp để mọi người khẩn cầu thần linh mang lại cho họ mùa màng bội thu, cây lúa trổ bông dày hạt, dân bản ấm no và hạnh phúc.

Lễ cầu an còn được biết đến với tên gọi lễ múa kiếm là một nghi lễ dân gian truyền thống được tổ chức vào các dịp lễ tết của người Giáy như vào Tết nguyên đán, vào nhà mới, khi kết thúc mùa vụ, tổ chức trong đám cưới... Đây là nghi lễ đã có từ lâu đời được truyền qua nhiều thế hệ, các bài cúng trong buổi lễ được ghi chép trong sách cổ của những thầy cúng người Giáy tại xã Nậm Ban. Qua nghi thức cúng với những điệu múa được biến tấu từ những thế võ tự vệ cổ truyền, đạo cụ được sử dụng mô phỏng những vũ khí thô sơ có thể suy đoán lễ cúng này có từ rất lâu đời, được hình thành trong quá trình đấu tranh bảo vệ làng bản chống lại sự quấy nhiễu của giặc dã, cướp bóc. Lễ cúng mang sắc thái tín ngưỡng dân gian, thông qua lễ cúng người Giáy gửi gắm ước vọng, cầu mong các thần linh phù hộ cho làng bản được yên bình, người dân được no ấm, không còn đói nghèo, bệnh tật. Mặc dù đơn thuần là một tập quán xã hội nhưng cũng có thể nhận thấy khởi nguồn của lễ cúng chính là tinh thần thượng võ, sự thôi thúc, cổ vũ cộng đồng cùng nhau đoàn kết, quyết tâm đấu tranh bảo vệ làng bản. Ngày nay, Lễ cầu an đã trở thành một trong những nghi lễ quan trọng nhất của người Giáy ở Nậm Ban. Vào ngày tổ chức lễ cúng của thôn, các gia đình đều cử người tham gia cùng dân làng thực hiện lễ cúng. Người Giáy tổ chức lễ cúng để cầu mong cho năm mới bình an, mùa màng bội thu, gia đình được mạnh khỏe với niềm tin rằng các thần linh cũng như tổ tiên của người Giáy vẫn sống bên cạnh họ, vẫn luôn dõi theo và phù hộ cho con cháu người Giáy được bình an, cuộc sống càng ngày càng trở nên tốt đẹp, no đủ hơn.

Cũng giống như hầu hết các nghi lễ của người Giáy và các dân tộc sinh sống tại Hà Giang, Lễ cầu an của người Giáy không đặt nặng về hình thức cũng như các lễ vật dâng lên thần linh, thường chỉ mang tính chất tượng trưng thể hiện thành ý của người làm lễ, mâm cúng chỉ có một con gà luộc, một đĩa xôi, hoa quả, chai rượu chút vàng hương. Tuy nhiên ngoài mâm cúng dùng trong buổi lễ tùy vào điều kiện và quy mô của lễ cúng là một hộ gia đình, một dòng họ hoặc tất cả các hộ gia đình trong thôn, bản mà có thể mổ lợn, hoặc dê để tổ chức bữa cơm cộng đồng sau buổi lễ.

Thời gian tổ chức Lễ Cầu an thường là khi kết thúc một chu kỳ sản xuất hoặc chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch trưởng thôn sẽ họp mời thầy cúng, đại diện các hộ dân để thống nhất ngày tổ chức, địa điểm tổ chức và việc đóng góp của mỗi gia đình. Việc tổ chức lễ cúng cầu an thường được diễn ra vào buổi sáng. Không gian của nghi lễ cúng cầu an cũng khá linh hoạt có thể là khu ruộng đã gặt sớm hoặc một khoảng sân rộng, cũng có khi là ngay trong nhà của một gia đình trong thôn, trưởng thôn là người đứng ra làm công tác chuẩn bị, phân công người phục vụ, nấu nướng.

Vào ngày diễn ra lễ cầu an, từ sáng sớm mỗi gia đình đều cử người đến địa điểm tổ chức, cùng nhau chuẩn bị cho buổi lễ. Những người không tham gia trực tiếp vào lễ cúng thì tham gia nấu cơm, chuẩn bị đồ lễ. Thầy cúng và đội nghệ nhân múa thường có từ 10 đến 14 người bắt buộc phải mặc trang phục nam truyền thống của người Giáy. Người Giáy cho rằng màu đỏ là màu của nghi lễ, biểu trưng cho sự may mắn, an lành do đó trong ngày lễ đội múa đều thắt một sợi vải màu đỏ ở thắt lưng, những đạo cụ dùng trong điệu múa cũng được buộc một dây vải màu đỏ. Những cô gái người Giáy mặc dù không tham gia trực tiếp vào lễ cúng nhưng họ cũng tự chuẩn bị trang phục truyền thống cho mình, sau khi lễ cúng chính kết thúc là thời điểm họ thể hiện khả năng ca hát và múa những điệu múa truyền thống của dân tộc Giáy.

Một buổi Lễ cầu an của dân tộc Giáy được chia làm 4 giai đoạn: Phần cúng dâng lễ, phần múa nghi lễ, phần hát múa truyền thống, phần giao lưu sinh hoạt cộng đồng.

Phần cúng dâng lễ

Ngày, giờ cúng dâng lễ được thầy cúng lựa chọn, tất cả dân làng tạm dừng công việc để tham gia lễ cúng. Lễ cúng gồm một con gà luộc, một đĩa xôi, một đĩa hoa quả, chai rượu, vàng hương, 5 chén rượu, 5 đôi đũa, 5 cái bát và một bát nước bên trong đặt một nhành cây thạch thảo.

Đến giờ làm lễ, thầy cúng yêu cầu đội múa kiếm xếp thành một hàng sau lưng mình, thầy cúng châm lửa đốt lên một bó hương thắp lên ban thờ cúng mời thần linh bốn phương về dự lễ. Các vị thần được mời về tham gia lễ cúng gồm có: Thần Quản Thôn (Sấn Sụ Bản), thần Quản Nước (Sấn Sụ Pương), thần Thổ Địa (Sấn Pá Re), thần Trời (Sấn Pấu Pả). Vị thần Quản Thôn chính là vị thần được thờ ở trong miếu của thôn, lễ cúng tổ chức ở thôn nào thì thầy cúng sẽ mời thần cai quản ở thôn đó về dự. Nội dung các bài cúng chủ yếu báo cáo thần linh về thành quả lao động của dân làng trong một năm qua, lý do tổ chức nghi lễ sắp diễn ra, những lễ vật mà dân làng đã chuẩn bị dâng lên các thần và mời thần về dự lễ đồng thời mượn địa điểm thực hành nghi lễ; Cầu thần linh phù hộ an lành cho các thành viên trong đoàn múa kiếm, để lễ múa được diễn ra một cách suôn sẻ; Cầu cho bà con thôn bản được khỏe mạnh, may mắn không gặp ốm đau bệnh tật; …

Phần múa nghi lễ

Phần múa nghi lễ được diễn ra sau khi kết thúc nghi thức cúng dâng lễ. Đạo cụ dùng trong lễ múa kiếm được làm bằng gỗ, phỏng theo hình dáng của các loại vũ khí người Giáy từng sử dụng. Một đội múa đầy đủ sẽ bao gồm một thầy cúng; 3 người gõ trống (Trống), chiêng (La), chúm xoè (Tí Xéo); 10 người múa với các đạo cụ: Kiếm (Giảng), Gậy (May chêch), Cào 5 răng (Piao nhi), Côn (Trắng má), Dao nhọn (Xa ý), Xiên ba (San xa), Đao (Mạ tao) Liềm (Hin), 1 người đánh tay không; Khi đội múa không đủ người, thầy cúng sẽ vừa đánh trống vừa cúng để các thành viên khác múa. Đây là điệu múa mang tính tập thể, mô phỏng các thế võ cổ truyền của người Giáy xưa kia, mỗi thành viên sử dụng một loại đạo cụ được làm mô phỏng các loại vũ khí khác nhau. Bài múa mang ý nghĩa thể hiện sức mạnh, sự uy dũng của người Giáy để tà ma nhìn thấy biết sợ mà tránh xa, không dám đến quấy nhiễu cuộc sống của dân làng. Chính bởi vậy nên người Giáy thường gọi với cái tên dân dã là lễ múa kiếm. 

anh tin bai

Một bài múa kiếm nghi lễ trong Lễ cầu an (Ảnh: Quang Chung)

Kết thúc điệu múa thầy cúng gõ một hồi trống dài, các thành viên của đội múa lần lượt mang đạo cụ về đặt bên cạnh ban thờ sau đó lui xuống xếp thành một hàng ngang trước bàn thờ. Thầy cúng về trước bàn thờ đốt vàng hương hơ qua các đạo cụ. Thầy cúng lấy bát nước có cành cây thạch thảo dùng nhành cây vẩy nước ra xung quanh và vẩy lên người các thành viên đội múa nghi lễ với ý nghĩa làm sạch, tẩy uế xua đuổi tà ma và những điều không may mắn xung quanh họ. Sau đó thầy cúng cầm trống gõ một hồi dài, các thành viên trong đội múa chắp tay vái lạy, cảm tạ các thần linh, kết thúc phần nghi lễ chính trong lễ cầu an.

Phần hát múa truyền thống

Khi phần múa kiếm kết thúc đến lượt những thành viên trong bản cùng nhau thể hiện những bài hát ca ngợi thần linh, cảm tạ tổ tiên, hát đối đáp, giao duyên và những điệu múa truyên thống của người Giáy. Người Giáy được biết đến là một dân tộc rất thích ca hát, họ hát mọi lúc, mọi nơi. Dân ca dân tộc Giáy rất phong phú về nội dung, hát về tình yêu đôi lứa, hát về các loài hoa, hát về đám cưới, hát bên mâm rượu, ca ngợi công đức cha ông, bố mẹ... Lễ cúng cầu an chính là lúc để họ được thể hiện tài năng ca múa của mình. Bên cạnh những làn điệu dân ca, vẻ đẹp, sự uyển chuyển, duyên dáng của phụ nữ Giáy được thể hiện qua những điệu múa khăn, múa nón góp phần không nhỏ tạo lên không khi vui tươi của buổi lễ. Trong buổi lễ việc hát múa cũng không có quy định bắt buộc nào, những người tham gia đều có thể vào hát, tuy nhiên do là một buổi cúng nghi lễ của dân tộc Giáy nên những người tham gia hát góp vui đều phải hát bằng tiếng Giáy. Việc hát, múa chỉ dừng lại khi mặt trời đã sắp chính ngọ, cũng là lúc những người đàn ông được phân công phụ trách việc bếp núc đã chuẩn bị xong bữa trưa. Tất cả thành viên tham gia buổi lễ cùng nhau thu dọn mâm cúng, các đạo cụ được đem về cất trong miếu hoặc dưới bàn thờ của nhà thầy cúng chờ cho đến lần tổ chức tiếp theo.

 

anh tin bai

Tiết mục múa truyền thống của các cô gái người Giáy

Phần giao lưu sinh hoạt cộng đồng

Mặc dù được xem là một bữa ăn sau khi tổ chức nghi lễ thành công nhưng theo như các thầy cúng cho biết đây là một phần quan trọng của buổi lễ. Tùy điều kiện hoàn cảnh có thể tổ chức to hay nhỏ nhưng bữa ăn thường phải có măng lấy trên rừng, cá chép nướng được bắt ngoài ruộng, gà hoặc lợn do các gia đình trong bản tự nuôi, xôi hoặc cơm nấu từ gạo của vụ mới vừa gặt. Bữa cơm được tổ chức tại nhà thầy cúng, trưởng thôn hoặc tổ chức luôn ở một gia đình gần nơi diễn ra lễ cúng nếu ngôi nhà đó đủ lớn. Việc được chọn làm nơi tổ chức ăn cơm của cả bản sau buổi lễ luôn là niềm vinh dự của chủ nhà mà không phải nhà nào cũng có thể đáp ứng được, ngôi nhà được chọn phải đủ rộng để các thành viên đến dự có đủ chỗ ngồi trên sàn, cho nên những ngôi nhà được chọn thường là ngôi nhà to, đẹp và có điều kiện trong thôn, đó chính là điều tự hào của gia chủ.

Lễ cầu an là một tập quán xã hội đã có lịch sử từ lâu đời, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm vẫn được cộng đồng dân tộc Giáy gìn giữ. Hiện nay, lễ cầu an đã trở thành một trong những nghi lễ tiêu biểu, riêng có của cộng đồng. Đây là một tập quán xã hội giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện lòng biết ơn và tôn kính tổ tiên, nguồn cội, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện quyết tâm giữ gìn sự bình yên của bản làng, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nguyễn Nhung - Quang Chung

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 304
  • Trong tuần: 6 402
  • Tất cả: 724286

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay