image bannerimage banner
Lịch sử tộc người Pu Péo - Hà Giang
Cỡ chữ Tương phản
Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở toàn quốc ngày 1 tháng 4 năm 1999, dân tộc Pu Péo chỉ có 705 nhân khẩu (Nam: 346, nữ 359), là một trong những tộc người có số dân thấp nhất ở nước ta hiện nay. Tại Hà Giang, người Pu Péo có 602 nhân khẩu, phân bố chủ yếu tại các xã Phố Là (huyện Đồng Văn), Sủng Tráng và Phú Lũng (huyện Yên Minh). Ngoài ra, còn có một số hộ gia đình sinh sống rải rác tại các xã trong hai huyện trên và huyện Mèo Vạc.

         Trước kia, người Pu Péo có nhiều tên tự gọi và tên gọi khác nhau.Vào khoảng những năm 1904 -1905, người Pu Péo tự gọi là Hà Beo, Ka Beo, Han Beo hoặc Ka Béo. Sau này, khi tiến hành điền dã tại Hà Giang, Nông Trung đã tìm được tên tự gọi khác của dân tộc này là Pu Péo và Cờ Bèo. Ông giải thích rằng, chữ “Pu” trong tên gọi Pu Péo và chữ “Cờ” trong tên gọi Cờ Bèo đều có nghĩa là người; còn “Péo” hay “Bèo” là tên dân tộc. Pu Péo hay Cờ Bèo có nghĩa là người Péo, người Bèo. Hai cách gọi trên có sự khcs nhau là do cách phát âm ở mỗi địa phương.

anh tin bai

         Năm 1981, trong khuôn khổ sự hợp tác giữa Viện Đông phương và Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ) với Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia), một cuộc khảo sát chung giữa các nhà ngôn ngữ học của hai nước về tiếng Pu Péo đã được thực hiện. Kết quả của chuyến công tác đó đã được Hoàng Văn Ma và Vũ Bá Hùng tập hợp và in thành sách với tên gọi “Tiếng Pu Péo” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 1992).

anh tin bai

         Pu Péo là tên gọi phổ biến hơn cả và được người dân chấp nhận. Tên gọi này bắt nguồn từ cách gọi của các dân tộc Tày - Nùng, “Pu” có nghĩa là người, còn “Péo” là trại âm của “Bẹo” trong tên tự gọi “Qabèo”. Từ năm 1979, theo Quyết định của Tổng cục Thống kê, tên gọi Pu Péo trở thành tộc danh chính thức của dân tộc này.

         Người Pu Péo là cư dân bản địa hay chỉ mới thiên di đến Việt Nam? Đó là câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Trong “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, khi viết về người Pu Péo, Lê Quý Đôn cho biết: “Giống người này từ thời thượng cổ đã có mặt ở nội địa, sau tản ra trên núi các xã thuộc châu Bảo Lạc”. Chúng tôi nghĩ, khái niệm thượng cổ ở đây chỉ có nghĩa rằng, thời gian mà người Pu Péo định cư ở châu Bảo Lạc đã rất lâu, chứ chưa hẳn là họ đã có mặt với tư cách là cư dân bản địa. Nhưng dù sau, chúng ta cũng biết chắc một điều rằng, ít nhất là cho đến giữa thế kỷ XVIII, người Pu Péo đã phân bố ở vùng cực Bắc của Tổ quốc. Chúng ta nên nhớ rằng, biên giới quốc ta hiện nay mời chỉ dược hoạch định cơ bản năm 1884, khi thực dân Pháp ký hiệp định biên giới trên bộ với triều đình Mãn Thanh; trong khi đó, biên giới tộc người đã tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Vì thế, hiện tượng cư dân của cùng một tộc người nhưng có mặt cả ở hai bên biên giới quốc gia là hiện tượng rất phổ biến. Đối với người Pu Péo cũng vậy, các nhà dân tộc học cho biết, người Pu Péo không chỉ có mặt ở Việt Nam mà còn phân bố cả ở các huyện Ma Li Pho và Phú Ninh, Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam. Chính phủ Trung Quốc không thừa nhận Pu Péo là một dân tộc đơn giản mà chỉ coi họ là một nhóm địa phương của dân tộc Di. Giữa người Pu Péo ở nước ta và bộ phân Pu Péo bên Trung Quốc có mối quan hệ tộc thuộc. Hàng năm, vào tết Nguyên đán hay các dịp cưới xin, ma chay, họ vẫn đi lại thăm hỏi lẫn nhau. Các tác giả viết về người Pu Péo đều cho rằng, phần đất hiện nay đang thuộc về Vân Nam (Trung Quốc) mới thực sự là quê hương ban đầu của người Pu Péo. Do những biến động về lịch sử - xã hội thời kỳ trung - cận đại và cả những nhu cầu mưu sinh, người Pu Péo đã thiên di đến những miền đất nay thuộc Việt Nam. Ngày nay, khi cúng tiễn hồn người chết, người Pu Péo vẫn dẫn đường về bên Trung Quốc. Về thời điểm thiên di, khó có thể xác định một cách cụ thể, nhưng những nghiên cứu của các nhà dân tộc học trong những năm 70 của thế kỷ trước cho biết, người Pu Péo đến Việt Nam làm nhiều đợt. Một bộ phận của dân tộc này đã đến Việt Nam từ trước thế kỷ XVIII, một bộ phận đến muộn hơn, khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Có thể họ đã có mặt ở đây trước cả người Mông và người Lô Lô. Vì thế, trong các bài cúng của mình, các dân tộc Mông, Hoa và Cờ Lao đều phải phá mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Tìm hiểu một bài cúng trong lễ làm ma khô của người Pu Péo, Nguyễn Văn Huy cho biết, con đường thiên di của họ đã trải qua cả một quãng đường dài (48 địa danh được nhắc đến) mà phần lớn (33/48) các địa danh đó đều nằm trên đất Trung Quốc. Điểm cuối của cuộc hành trình của linh hồn chính là vùng đất được gọi theo tiếng dân tộc là Gươi Mươi, tức Phu Mày hoặc Phu Mười. Tại Phố Là hiện nay cũng còn một vài tấm bia, trên đó nói rõ ràng, người Pu Péo có nguồn gốc từ Phổ Mặc, phủ Quảng Nam, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, mới đến Việt Nam được khoảng 300 năm. So sánh tài liệu văn bia và tư liệu truyền miệng thể hiện qua các bài cúng tiễn hồn người chết, ông khẳng định: “Rõ ràng là xưa kia người Pu Péo ở đất Phổ Mặc (tức Phố Mày, Phu Mười, Gươi Mươi) thuộc phủ Quảng Nam, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)”. Những nhận xét trên đây cũng hoàn toàn phù hợp với các tài liệu hiện có, cho biết hiện tại người Pu Péo Trung Quốc chủ yếu sinh sống tại châu tự trị Choang tộc, Miêu tộc Văn Sơn (bao gồm cả phủ Quảng Nam xưa) tỉnh Vân Nam.

         Mặc dù số dân không đông, nhưng người Pu Péo lại sinh sống khá phân tán trên rẻo biên giới Việt – Trung. Đó là miền đất được mệnh danh là Cao nguyên đá bởi địa hình nhiều đá gốc chưa phong hóa hết, còn để lại những “thạch thụ” san sát như rừng, hạn chế rất nhiều đối với việc canh tác. Song người Pu Péo không ở trên núi cao như người Mông mà thường chọn những bồn địa nhỏ giữa núi để lập làng. Khu vực cư trú của người Pu Péo ở Phố Là, Sủng Tráng hay Phú Lũng đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm tính chất của khí hậu á nhiệt đới. Với điều kiện tự nhiên như vậy, người Pu Péo vừa có thể làm ruộng nước, vừa tận dụng được những thế mạnh của rừng trong công cuộc mưu sinh.

anh tin bai

         Dưới góc độ địa lý nhân văn, vùng cao Hà Giang là địa bàn xen cư của nhiều dân tộc thuộc các nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, Tày - Thái và Tạng - Miến. Đó là một điều kiện tốt cho quá trình tiếp biến văn hóa của người Pu Péo, họ có thể “cho” và “nhận”được nhiều từ các dân tộc anh em. Nhưng ngược lại, đó cũng là một trở ngại lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Là một tộc người có số dân quá ít, người Pu Péo luôn đứng trước sự đe doạn bị đồng hóa bởi các dân tộc có số dân đông hơn. Ngày nay, chúng ta đã thấy nhiều yếu tố ngoại lai trong văn hóa Pu Péo. Việc bảo vệ tính đa dạng văn hóa của dân tộc này đang là một đòi hỏi cấp thiết đối với các cơ quan chức năng ở địa phương.

Quang Chung

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 628
  • Trong tuần: 6 415
  • Tất cả: 723556

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay