image bannerimage banner
Mùa xuân nho nhỏ
Cỡ chữ Tương phản

         Bây giờ đi Hà Giang tôi không phải giở bản đồ nữa. Mảnh đất miền biên thùy viễn xứ, xa xôi và cách trở, hùng vĩ và tráng lệ, thương nhớ và ám ảnh. Những địa danh đã đóng đanh trong trí nhớ, những con đường đã thuộc nằm lòng như chỉ tay. Có lẽ, vì cao nguyên đá đã không còn là điểm đến, nơi ấy có một vị trí rất riêng trong trái tim, vị trí mang cái tên “Quê nhà”.

         Cuối năm, gió lạnh ào về phố, bứt đám là vàng lao xao cuốn theo từng vòng bánh xe, thoang thoảng đâu đây mùi hương trầm gọi Tết. Trên cành chồi non, lộc biếc, trong tiết trời se lạnh, những cơn mưa phùn lất phất bay. Ở miền núi phía bắc, mùa xuân đang cựa mình trong những nụ đào, trong tấm vải mới mẹ dệt cho em mặc Tết, trong chum rượu ngô cha ủ bằng lá rừng. Gió tràn từ non cao xuống bản, những ngôi nhà bé nhỏ cheo leo trên cao nguyên đá tai mèo hùng vĩ. Vách đá lạnh lẽo, lối mòn vắt vẻo lưng trời. Nhà của người Mông nằm chót vót trên đỉnh núi vời vợi, đường lên núi cao xa ngái, biết đến bao giờ mới hái được hoa?

         Theo hệ lịch riêng thì người Mông ăn hai cái Tết lớn trong năm là Tết cổ truyền (được tổ chức vào tháng 12 dương lịch hàng năm) và Tết mùng 5/5. Nhưng ngày nay, người Mông ở một số vùng còn tổ chức ăn Tết âm lịch theo người Kinh.

 
anh tin bai

         Tết luôn là dịp được đón chờ nhất đối với các em bé, nhất là những em bé sống trên rẻo cao. Ngày Tết em sẽ được vui chơi thỏa thích với chúng bạn, được mặc những bộ quần áo mới may, được ăn thịt lợn béo, gà trống to, bánh bột nếp, mèn mén xay hay thắng cố, được đi trẩy hội Gầu Tào, Sải Sán, Lồng Tồng.

         Tết đến, trẻ em đi chơi xuân rất đông và ai cũng xinh đẹp. Các bạn gái mặc áo thêu hoa, trên vai và ngực có nẹp những đường chỉ màu lấp lánh, quàng khăn bảy sắc cầu vồng, váy hình nón cụt xếp nếp căng tròn, mỗi bước chân đi lại nhún nhảy xoay vòng nom thật là vui mắt. Các bạn trai thì mặc quần kiểu chân què, áo chàm đen cài khuy nút, dùng khăn quấn đầu và cổ, thậm chí còn đeo đồ trang sức (vòng cổ, nhẫn tay).

         Trò chơi được trẻ em yêu thích nhất là đánh cầu lông gà. Đồ chơi là một trái cầu nhỏ xíu được kết bằng lông gà và những chiếc vợt gỗ xinh xắn, to cỡ vợt bóng bàn và có tay cầm dài hơn. Nhiều nơi tôi thấy các em chơi vợt nhựa, được tận dụng và biến tấu từ những chiếc can đựng nước hoặc đựng rượu đã hỏng. Địa điểm để chơi cầu thường là ngay trên đường, nơi có nhiều người qua lại. Nói là nhiều, nhưng là nhiều người đi bộ qua, chứ xe cộ ở nơi heo hút này thì vẫn thưa thớt lắm, chơi cả ngày, số lần gặp ô tô, xe máy có khi cũng không đếm qua được đầu ngón tay. Núi rừng như bừng lên sức xuân trong sắc màu tươi tắn của váy áo mời, rộn ràng trong tiếng reo hò của các trò chơi. Nhưng nếu có người lạ tới, thế nào đám trẻ cũng xấu hổ mà kéo nhau chạy trốn lên núi hoặc nấp sau hàng rào.

anh tin bai

         Mừng năm mới, người Mông thích trang hoàng nhà cửa rực rỡ, Tết không thể thiếu ba món truyền thống là rượu, thịt và bánh ngô. Bếp của người Mông luôn đỏ lửa trong ngày Tết, lễ cúng giao thừa đêm 30 không thể thiếu con lợn sống hoặc con gà sống. Người Mông đón năm mới bằng tiếng gà gáy sớm mồng một Tết, bằng tục “rước nước cầu may” (tức là đi lấy nước ở ngoài suối đem về nhà cúng tổ tiên), mấy ngày Tết chỉ ăn thịt với bánh ngô, uống rượu ngô, nông cụ nghỉ ngơi thì người phải đi chơi từ bản này sang bản khác, hội hè khắp nơi. Đến ngày mồng 3 là dựng cây nêu trên khoảng đất rộng để chơi hội. Cũng như trẻ con, người lớn xúng xính du xuân, say sưa chơi bập bênh, xem hát giao duyên múa xòe, con trai thì bị hút hồn vào đám chơi quay, chọi gà, con gái thì xúm xít quanh những mẹt hàng nơ xanh nơ đỏ.

         Cuộc sống thay đổi và ngày càng phát triển, đồng bào đã có nhiều gạo hơn để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng món ăn làm từ ngô vẫn là thú ẩm thực có ý nghĩa tâm linh trong đời sống tinh thần của bà con. Có nhiều loại bánh được làm từ bột ngô, những với đồng bào Mông cư trú trên địa bàn Sính Lủng, Thài Phìn Tủng, Vần Chải, Sủng Trái thì bánh láo khoải (còn có cách gọi khác là lức khoải hay rớ khoải) từ bột ngô là thứ không thể thiếu để ăn Tết. Do truyền thống định cư kiểu đồng tộc, dòng họ, mỗi dịp xuân về đồng bào lại cùng nhau làm chung một mẻ bánh láo khoải to để dành ăn cho hết tháng giêng.

         Một ngày cả gió. Tôi đi “tìm xuân” trên Cao nguyên đá. Một đại gia đình người Mông ở Thài Phìn Tủng đang quây quần xay bột, làm bánh ngô chuẩn bị đón Tết. Tiếng đập bột xuống mặt bán đá vang lên như tiếng cười khúc khích của trẻ thơ. Giấy bản mới màu đỏ, đột hình hoa văn cầu kỳ, đã mua từ phiên chờ trước, nay chuẩn bị dán lên bàn thờ, cửa nhà, nông cụ.

         Thấy tôi tò mò, cánh đàn ông cả cười mà bảo: “Bánh này không làm thường xuyên đâu, chỉ làm ăn chơi vào dịp Tết thôi, cái người Kinh mày ở lại đến tối rồi ăn thử bánh láo khoải của chúng tao nhé… Để xem cái Tết của người Mông thế nào”…

         Ngô được thu hoạch tầm tháng 8 âm lịch hàng năm, bóc bỏ lớp vỏ ngoài, để lại một lớp vỏ mỏng rồi đưa lên gác bếp bảo quản hay treo lên chái nhà. Tách hạt xay thành bột nhỏ, sàng bỏ mày và vỏ rồi đem ngâm nước khoảng 5 - 6 giờ, lấy bột ra để cho ráo nước rồi đồ lên cho chín. Ngô được xay bằng đá cối, đồ ngô hai lần trên chảo gỗ, khi đồ lần một phải chú ý thời gian để bột ngô tơi và không dính vào nhau, sau khi làm tơi và để nguội mới cho vào đồ lần hai để bột ngô chín kỹ.

anh tin bai

         Bột ngô đã chín này sẽ được những người đàn ông có sức vóc trong gia đình đập nén trên bàn đá, nặn thành hình bầu dục, dài khoảng 15- 20cm, dùng mỡ trộn với mật ong bôi đều trên bề mặt bánh.

         Để chuẩn bị làm các loại bánh từ bột ngô để dành ăn Tết, các hộ sẽ thay phiên nhau làm cả ngày, phân công mỗi người mỗi việc. Bột ngô đã chín nên bánh làm xong có thể ăn ngay. Nếu chưa ăn, đồng bào sẽ bảo quản bằng cách thả vào ngâm trong nước lã, một tuần thay nước một lần, để hàng tháng trời mà bánh vẫn không bị mốc, nứt hay vụn ra. Khi nào cần sẽ vớt bánh láo khoải lên và chế biến để dùng. Bánh có thể thái mỏng và nướng trên than củi, cũng có thể thái chỉ, nấu với đường ăn rất mát, nước dùng như nước bánh trôi, hoặc nấu với quả đậu Hà Lan, cho thêm muối, mỡ động vật vào giống như nấu canh.

         Người đàn ông Mông nói với chúng tôi về cái Tết của dân tộc mình bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi. Mấy người khác vẫn chăm chú làm và trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng, không bận tâm lắm đến hai kẻ tò mò đang xách máy ảnh dạo khắp sân nhà. Hai người đàn bà vừa tranh thủ đi gom thêm một ôm thân ngô khổng lồ về xếp bên hiên nhà làm củi đun bếp. Đám trẻ rụt rè nấp sau lưng mẹ, hớn hỏ với phong bao lì xì mừng tuổi mà chúng tôi vừa tặng, hẳn đang náo nức chờ được ăn bánh láo khoải. Ai cũng hối hả, bận rộn, việc nọ việc kia tíu tít. Có phải mùa xuân đang nhẹ nhàng bước qua bờ rào đá, qua cái ngưỡng cửa cao và làm ấm áp cả căn nhà bên bếp lửa hồng đang nướng những mẻ bánh láo khoải đầu tiên?

         Phiên chợ cuối năm đông đến nóng rực người, sắc cầu vồng của váy áo thổ cẩm có mặt khắp nơi xua tan đi cái lạnh buốt giá. Nếu các cô gái tranh thủ sắm bản dây lưng hay chiếc khăn choàng mới để đón Tết thì cánh đàn ông vẫn không quên sà vào bàn, uống bát rượu ngô trong văn vắt, ăn muôi thằng cố nóng hôi hổi và rồi say ngất ngư ngay giữa chợ, không chắc họ sẽ say qua cả lúc mùa xuân đến gõ cửa nhà mình.

         Lần thứ hai, tôi đứng trên đỉnh núi Đồn Cao, dưới chân là cánh đồng thôn Quyết Tiến xanh màu mạ, bảng lảng trong sương khói, những dãy núi đá nhọn hoắt. Gió xịt vểnh lên như những chiếc tai mèo nhọn hoắt. Gió sầm sập táp vào lưng núi, leo qua phế tích đổ nát của người Pháp để lại nơi lưng chừng trời. Tiếng nhạc phát ra từ chiếc điện thoại của một đôi trai gái đang trốn vào góc núi tình từ, cứ réo rắt như xa như gần khiến tôi bàng hoàng, ngơ ngẩn.

         Đồng bào tan chợ rảo bước về nhà trên khắp những lối mòn nho nhỏ, những cái chấm bé bỏng giữa đất trời cao nguyên hùng vĩ, nơi mà đất trồng chắt chiu trong từng hốc đá, nước sạch chắt chiu dồn về từng chiếc bể treo, mùa xuân chắt chiu về trong từng cánh hoa đào, hoa mận. Cao nguyên đá bước vào mùa đẹp nhất trong năm, bất chấp giá rét, bất chấp cuộc sống còn thiếu thốn, nhọc nhặn, đất trời cựa mình thay áo mới, xuân về phơi phới, đồng bào tưng bừng chơi hội. Liệu có mùa nào đẹp hơn?

         Ngày mưa phùn, chúng tôi rời thị trấn Đồng Văn. Cái ẩm ướt của sương núi và không khí ảm dạm của trập trùng những núi đá tai mèo khiến người lữ khách phải chùng lòng, có gì ở chốn cao nguyên ấy khiến bước chân rời đi không thể không quay về?

         Con đường nối thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc ngày mùa đông dường như cô độc hơn, lặng lẽ uốn mình trườn theo những sườn núi và biến mất trong đám sương mù của một khúc quanh nơi lưng trời. Chiếc xe vào cua, và chúng tôi bàng hoàng trước bản giao hưởng sắc màu trên Cao nguyên đá.

         Một đám trẻ con người Mông từ sau vách núi Pải Lủng ùa ra trên con đường mang tên Hạnh phúc. Pải Lủng là một xã nằm trên đường nối Đồng Văn và Mèo Vạc chạy ngang Mã Pì Lèng, có nơi con đường cong như một dấu hỏi nằm dưới chân những đỉnh núi vươn trên nền trời ngạo nghễ. Bọn trẻ đi thành từng tốp nhỏ, ba người, năm người, con trai đi với con trai, con gái đi với con gái, những đứa sàn sàn tuổi nhau đi với nhau. Nhóm nào nhóm đó tung tăng nô đùa, dạo bước, chạy nhảy, bất chấp con đường đẫm nước, những mỏm đá tai mèo lạnh buốt, những lối mòn trắc trở vắt vẻo trên vách núi, lưng đèo. Những chiếc bóng bé xíu tung tăng cắt ngang đường, cắt ngang vách núi. Các em giống như những thiên thần trên địa đầu cực bắc, bước chân các em ở đâu là núi rừng sáng bừng lên ở đó, mùa xuân căng tràn trong từng ánh mắt, điệu cười.

           Phần lớn đám con trai mặc bộ đồ đen truyền thống, trên đầu, trên cổ quấn khăn bảy màu đặc trưng của Đồng Văn để ủ ấm. Đám con gái thì sặc sỡ đến choáng ngợp bởi những bộ váy áo lấp lánh, nhiều màu. Dường như chiếc áo nào cũng là áo mới, khăn váy nào cũng là khăn váy mời, họa tiết hoa văn khá cầu kỳ và vô cùng bắt mắt. Các em xuất hiện trên con đường đi về Mã Pì Lèng hùng vĩ, làm cho cao nguyên đá trở nên bừng sáng và ấm áp đến lạ lùng. Nhóm dung dăng dung dẻ dắt tay nhau, nhóm ngồi bên taluy đường bâng khuâng ngắm nhìn bạn bè tung tăng bay nhảy, hoặc đơn giản là túm tụm vào nhau, nói cười rúc rích.

         Bọn con trai rất say sưa với trò “tán gái”. Nếu thấy thích cô gái nào là tìm cách dang tay chặn lại trên đường đi, tìm cách lấy bằng được khăn trùm đầu hoặc là vỗ tay vào lưng để thể hiện sự âu yếm. Các cô gái e ấp chạy né tránh, mặt mũi bừng đỏ vì ngượng ngập trong khi mấy chàng trai nhí thích chí cười vang.

         Từ Pải Lủng đi Lũng Phìn, chúng tôi cứ đi lại dừng, đi lại dừng vì trẻ em Mông đi chơi đông quá, đan xen vào nhau tạo thành một bức tranh lộng lẫy và hoành tráng. Mấy anh tây ba lô chạy xe máy qua cũng phải dừng lại, ngẩn ngơ trước “ngày hội trên đường” của đám trẻ.

           Chúng tôi dừng lại chơi khá lâu với đám trẻ con ở Lũng Phìn, mải chơi đến quên không uống một chén rượu ngô danh tiếng. Đám trẻ chơi cầu lông gà khá chăm chú và say mê. Hai người một cặp, các cặp đứng chen chân trên đường, cứ vừa đánh cầu vừa di chuyển từ gần nhà lên góc quanh trên núi rồi lại lùi ngược về, bất chấp sương mù và lạnh giá. Người lớn và trẻ con đứng vây quanh, cười nói, nô đùa. Mấy cầu bé thích thú với trò chơi đeo ngựa, vừa cõng nhau vừa chạy vòng quanh xem các bạn khác đang say trận cầu.
 
anh tin bai

Những mùa xuân nho nhỏ trên Cao nguyên đá (Anh: Lam Thanh)

         Được rủ chơi, tôi tháo găng tay cất vào túi áo, vội vàng như mình vừa mua được một tấm vé đi tuổi thơ. Tưởng chơi cầu lông gà dễ lắm, hóa ra không phải. Cầu rất nhẹ, nên muốn đánh cho cầu bay đi, tôi phải dùng sức khá nhiều, chả chốc mà toát mồ hôi, bao khăn ấm, áo ấm cởi ra treo cả vào vách đá. Đánh cầu tới lúc mệt nhoài, giá lạnh khiến hơi thở như làn khói, cổ họng khô khốc, mà trận cầu không trọng tài dường như chả có ý định phân thắng thua. Bạn tôi vào thay chân một lúc cũng thở ra khói, đánh trả vợt lại cho cô bé con.

         Tôi tự hỏi phải chăng mình đang mơ khi gặp quá nhiều các em bé người Mông du xuân trên con đường Hạnh phúc. Tôi gọi các em là những - mùa - xuân - nho - nhỏ, những mùa xuân cao nguyên, đã mang đến cho tôi một bản giao hưởng tuyệt vời của cảm xúc: lâng lâng, run rẩy, cuống quýt và rộn ràng. Tiếng bước chân chạy đồng hành trên đèo Mã Pì Lèng hôm đó đã trở thành một khúc nhạc ngân nga trong lòng tôi cho mãi đến sau này, không sao quên được. Nó như những nhịp trống dồn hối thúc, khiến trái tim rôi đập nhanh hơn trong lồng ngực, xúc động đến mức, không cả dám nâng máy ảnh lên, vì sợ tiếng cửa chập màn hình sẽ đánh thức mình ra khỏi giấc mơ.

         Khi nào hạt dẻ rụng xuống, lúa nương vào bồ, chỉ còn những vạt cải vàng lấy giống lộng lẫy trên đồng, là khi ấy, màu xuân đang về trên cánh hoa đào, hoa mận của rẻo cao…

         Anh nhỉ, mùa xuân đã thực sự về trên Cao nguyên đá Đồng Văn!

Thủy Trần

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 121
  • Trong tuần: 7 048
  • Tất cả: 961081

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay