Rừng nghiến cổ thụ Cán Tỷ
12/10/2021
Thôn Sín Suối Hồ, xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ) của đồng bào dân tộc Mông nằm bên “hẻm vực Sông Miện” với các vách đá vôi dựng đứng xen với các thung lũng treo, thềm tích tụ travertine... Đặc biệt là trên thềm tích tụ travertine ở Sín Suối Hồ còn có rừng gỗ nghiến cổ thụ với hàng chục cây, chu vi thân tới 5,1-1,6m
Thôn Sín Suối Hồ, xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ) của đồng bào dân tộc Mông nằm bên “hẻm vực Sông Miện” với các vách đá vôi dựng đứng xen với các thung lũng treo, thềm tích tụ travertine... ở lưng chừng vách, tất cả đều được cho là do hoạt động của “đứt gãy Sông Miện”. Cũng ở đây còn có thể quan sát thấy một ranh giới tiếp xúc rất lý thú, hình thành trước đó, giữa đá vôi cổ hơn (khoảng 400 triệu năm trước) với đá lục nguyên (cát, bột, sét kết) trẻ hơn (khoảng 250 triệu năm trước).
Đặc biệt là trên thềm tích tụ travertine ở Sín Suối Hồ còn có rừng gỗ nghiến cổ thụ với hàng chục cây, chu vi thân tới 5,1-1,6m. Cây nghiến thường mọc ở các vùng đá vôi - những nơi thường rất cằn cỗi, thiếu cả đất lẫn nước, những yếu tố thiết yếu nhất để cây cối có thể sinh trưởng. Gỗ nghiến rất cứng chắc, được xếp vào hàng “tứ thiết” của Việt Nam, có lẽ là do được chắt chiu trong thời gian rất dài, hàng nhiều chục, thậm chí hàng trăm năm. Theo các nhà khoa học thì cây nghiến ở đây là loại nghiến đỏ (Exentrodendron tonkinense Gagnep.), một trong những quần thể còn hiếm gặp hơn ở Việt Nam, có tuổi khoảng 250 năm.
Trong hoàn cảnh sống thiếu thốn đến như vậy mà dân bản vẫn còn giữ được rừng nghiến này thì chắc chắn đối với họ đó là một khu rừng thiêng, cùng với họ thách thức thời gian và mọi điều kiện khắc nghiệt của Cao nguyên đá. Rừng nghiến cổ thụ Cán Tỷ xứng đáng biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của con người trên Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
BQL Công viên địa chất