image bannerimage banner
Nguồn gốc lịch sử di cư dân tộc Mông
Cỡ chữ Tương phản
Người Mông là dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Dân tộc này có một truyền thống văn hóa độc đáo, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm trước đây và trên 300 năm sau khi từ Trung Quốc sang định cư ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
anh tin bai

           Về tộc danh của dân tộc này có nhiều cách nhìn, cách lí giải khác nhau. Từ những thế kỉ xa xưa, người Hán gọi người Mông là Mèo. Khi dư cư đến Việt Nam, tộc danh này ngẫu nhiên trùng với tên gọi con mèo của người Việt. Vì vậy, phần lớn người Mông không thích nên đã đề nghị Chính phủ được gọi theo cách bà con tự gọi mình là người Mông. Nhưng từ Mông nếu phát âm đúng theo tiếng Mông là một từ âm mũi (Hmôngz). Trong khi đó, hệ thống âm phụ tiếng Việt không có chữ nào ghi âm chính xác được tiếng âm mũi trên. Những nhà nghiên cứu đã mượn phụ âm (Hm) để ghi âm từ Mông. Do đó khi Nhà nước chính thức ban hành Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam, người ta lại đọc theo kiểu phiên âm nên từ Hmông trở thành từ Hơmông (H’mông). Cách gọi này một lần nữa làm cho nhiều người Mông ghét bỏ không kém từ Mèo trước đây. Thiết nghĩ đã đến lúc cần có một tên gọi ổn định, phù hợp với nguyện vọng của bà con người Mông. Nếu phụ âm tiếng Việt không ghi được âm mũi tiếng Mông (Hmôngz) thì nên chấp nhận cách gọi đã dùng hiện nay là Mông. Như vậy chắc chắn sẽ làm cho đồng bào phấn khởi hơn.

         Theo một số tài liệu sử sách cho rằng, người Mông xuất hiện sớm nhất ở lưu vực sông Hoàng Hà - Trung Quốc. Song, trong quá trình lịch sử, do nhiều nguyên nhân, người Mông phải di cư xuống phương nam; rồi trở thành con cháu của một trong những dân tộc người bản địa cổ đại Nam Trung Quốc, bao gồm các vùng Hồ Động Đình, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Ở vùng này người Mông đã từng có thời kỳ lập nên quốc gia “Tam Miêu” riêng. Nhưng ở đây cũng chẳng được bao lâu họ lại thiên di xuống phương nam vào Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á. Người Mông di cư vào Việt Nam với 3 thời kỳ đông nhất.

         Thời kỳ đầu tiên cách đây trên 300 năm, họ từ Quý Châu (Trung Quốc) di cư sang Đồng Văn (Hà Giang - Việt Nam). Thời kỳ này người Mông ở Quý Châu đang nổi lên phong trào đấu tranh chống chính sách cải thổ quy lưu (bãi bỏ chế độ tù trưởng Mông, triều đình đưa bọn quan lại người Hán trực tiếp đến cai trị) của nhà Thanh (từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII) song bị thất bại. Có thể nói Đồng Văn là nơi người Mông từ Trung Quốc sang nước ta sớm hơn các địa phương khác.

         Đợt di cư lần thứ 2 cách đây gần 300 năm. Lần này người Mông vào Việt Nam qua 2 con đường: một là vào huyện Đồng Văn - Hà Giang; hai là vào theo đường Si Ma Khai - Bắc Hà - Lào Cai. Nguồn gốc của những người Mông di cư thời kỳ này phần lớn ở Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). So với sử sách của Trung Quốc thì thời kỳ này phù hợp với phong trào khởi nghĩa của người Mông ở Quý Châu thất bại (1776-1820).

         Thời kỳ di cư lần thứ 3 cách đây khoảng trên 200 năm và cũng là thời kỳ người Mông ở Trung Quốc di cư sang Việt Nam đông hơn cả. Đây chính là thời kỳ người Mông ở Trung Quốc nhiệt tình hưởng ứng phong trào Thái Bình Thiên Quốc đấu tranh chống nhà Mãn Thanh. Cuộc đấu tranh kéo dài từ 1840-1868. Những năm về sau người Mông vẫn rải rác di cư sang Việt Nam cho đến khi hòa bình lập lại ở nước ta (1954).

         Từ Nam Trung Quốc người Mông di cư đến Việt Nam bằng nhiều đợt, nhiều con đường khác nhau, đó là một cuộc hành trình gian khổ đi tìm cuộc sống tự do và công bằng. Đó cũng là quá trình đấu tranh chống áp bức bóc lột của người Mông thời xa xưa. Đến với Việt Nam, đến với vùng đất mới, hầu như chưa có dấu chân người, người Mông đã tìm thấy nguồn sống ở nơi đây đầy hứa hẹn. Người ta cho rằng, đây là nơi còn nhiều đấy đai màu mỡ, là nơi có quả bí to như cái vạc mà lợn rừng có thể khoét lỗ chui vào đó đẻ con, nó vừa là ổ, vừa là thức ăn cho lợn con; là nơi trồng cây mà gốc có củ, thân có bắp, ngọn trổ lúa… Với tinh thần lao động và sáng tạo, người Mông đã biến nơi rừng rú hoang vu thành quê hương thân yêu của mình.

BQL Công viên địa chất

(Theo cuốn Các dân tộc ở Hà Giang)

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 668
  • Trong tuần: 6 766
  • Tất cả: 724650

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay