image bannerimage banner
Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn
Cỡ chữ Tương phản
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc có diện tích tự nhiên hơn 2.350km2. Nơi đây là vùng đất cực Bắc của Tổ Quốc Việt Nam, có độ cao trung bình từ 1400 -1600m so với mực nước biển, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc có diện tích tự nhiên hơn 2.350km2. Nơi đây là vùng đất cực Bắc của Tổ Quốc Việt Nam, có độ cao trung bình từ 1400 -1600m so với mực nước biển, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Do địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh nên  khí hậu trên Cao nguyên đá mang nhiều sắc thái ôn đới và chia làm 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 24-28ºC, mùa đông nhiệt độ có khi xuống tới -5ºC. Khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn xưa nay đã nổi tiếng là một vùng xa xôi hẻo lánh, địa hình vô cùng hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thiếu trầm trọng về đất sản xuất và nước sinh hoạt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân các dân tộc. Bởi vậy, nếu chỉ dựa vào nông nghiệp truyền thống với nguồn tài nguyên đất và nước quá khan hiếm chắc chắn sẽ khó thoát khỏi đói nghèo. Vì thế, việc xây dựng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là một mô hình mới có thể hạn chế những bất lợi của khu vực để phát triển kinh tế dựa trên chính những điểm mạnh, tiềm năng đặc biệt của Cao nguyên đá Đồng Văn.

          Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi chứa đựng nổi bật các loại hình di sản địa chất, di sản văn hoá và đa dạng sinh học. Đến nay, các nhà khoa học đã điều tra, xác định được khoảng 160 điểm Di sản địa chất thuộc 30 cụm di sản địa chất phân bố trên các huyện vùng Công viên, ngoài ra, còn rất nhiều di sản hang động, di sản hóa thạch trong các tầng đá trầm tích ở Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn chưa có điều kiện nghiên cứu, điều tra, đánh giá.

           Khu vực Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi lưu giữ nhiều sự kiện địa chất quan trọng tầm cỡ khu vực và hành tinh, đặc biệt là 2 trong số 5 sự kiện lớn lịch sử sinh giới của Trái đất với sự hủy diệt của hàng loạt giống, loài, thậm chí cả họ cổ sinh vật, đó là: Biến cố sinh học Devon muộn xảy ra ở ranh giới Frasni/Famen cách ngày nay 364 triệu năm đã làm cho 19% số họ và 50% số giống cổ sinh bị tuyệt diệt; Biến cố sinh học Permi/Trias xảy ra sát trước ranh giới Permi/Trias cách ngày nay khoảng 251 triệu năm, là sự kiện lớn nhất trong 5 biến cố của sinh giới, làm tuyệt diệt khoảng 90% số giống và loài sinh vật biển.

          Nơi đây là địa bàn sinh sống của 17 dân tộc, mỗi dân tộc có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng, tuy nhiên thường tập trung vào tháng giêng. Trong đó "Chợ tình Khau Vai" là lễ hội đặc sắc và độc đáo nhất, ngoài ra còn có lễ hội "Gầu Tào" của người Mông, lễ hội "Cúng thần rừng" của người Pu Péo, lễ Cấp sắc dân tộc Dao… và các lễ hội và các phong tục, tập quán khác của các dân tộc.

          Ngoài ra, Cao nguyên đá Đồng Văn chiếm một phần diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Do đó, CVĐC có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 289 loài thực vật bậc cao, thuộc 83 họ; Hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ. Có 27 loài gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát là những động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt là loài Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và một trong 25 loài linh trưởng của thế giới có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu.

          Cao nguyên đá Đồng Văn, một miền đất hoang sơ với nhiều núi non trầm mặc như trong truyện cổ tích, sẽ là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, tạo điều kiện góp phần đưa kinh tế của địa phương phát triển.

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 681
  • Trong tuần: 6 137
  • Tất cả: 945851

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay