image bannerimage banner
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn - 10 năm xây dựng và phát triển
Cỡ chữ Tương phản

Trần Đức Quý

Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Cách đây 10 năm, ngày 1/10/2010, tại đảo Levos (Hi Lạp), Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (nay là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn) chính thức được Đại hội đồng Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Qua thời gian 10 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 2 kỳ tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, giữ vững danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO”, đem lại nhiều đổi thay tích cực trong sinh kế của đồng bào nơi cực Bắc tổ quốc.

 

Đôi nét về việc xây dựng mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn là khu vực địa hình núi đá của tỉnh Hà Giang, nằm ở cực Bắc của Việt Nam. Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng vô cùng khó khăn. Với diện tích là 2356,8 km² và độ cao trung bình là khoảng 1.400 - 1.600m, địa hình 70% đá vôi lộ diện, thiếu đất, thiếu nước nên việc phát triển kinh tế nông nghiệp thành kinh tế mũi nhọn là không khả thi. Ngoài ra, giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt, độ dốc lớn cũng là một bước cản cho phát triển kinh tế của khu vực.

 

Đại diện GGN trao bằng công tái công nhận tư cách thành viên cho đoàn đại biểu của Hà Giang tại Canada năm 2014

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Bỉ, cùng các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã tiến hành các chuyến khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và đưa ra định hướng xây dựng mô hình Công viên địa chất gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững cho địa phương. Các kết quả nghiên cứu đã xác định được những giá trị địa chất - cảnh quan vùng Cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc; tính đa dạng về địa chất; phân loại địa hình, cảnh quan phục vụ phát triển du lịch. Trên cơ sở đánh giá toàn diện các điều kiện tự nhiên của vùng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các thế mạnh còn ở dạng tiềm năng phục vụ phát triển kinh tế du lịch bền vững cho vùng cao nguyên đá.

 

Đoàn chuyên gia thẩm định của GGN khảo sát tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn năm 2018

Năm 2007, có nhiều đoàn chuyên gia khảo sát đã đi qua những hoang mạc đá khô cằn của huyện Đồng Văn. Ngoài những giá trị to lớn về địa chất, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều cảnh quan đá kỳ thú, có thể sánh ngang tầm với rừng đá Thạch Lâm ở Vân Nam (Trung Quốc).

Tháng 4/2008, tại Hà Giang đã diễn ra Hội thảo Khoa học “Cao nguyên đá Đồng Văn: những giá trị độc đáo, định hướng bảo tồn và phát triển bền vững”. Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học đã cho rằng cần lập hồ sơ để công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là di sản thiên nhiên hoặc Công viên địa chất thế giới.

Tháng 9/2009, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBQG UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học, đánh giá giá trị di sản địa chất của Cao nguyên đá Đồng Văn. Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý các bộ ngành và địa phương, các nhà khoa học, học giả và đặc biệt có đại diện một số đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Hội thảo nhất trí việc xây dựng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.

Được sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Ban quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được thành lập. Công tác xây dựng hồ sơ Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được Ban quản lý, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, UBQG UNESCO Việt Nam khẩn trương, tích cực xây dựng và trình UNESCO Paris vào ngày 27/11/2009.

Tháng 6/2010, đoàn chuyên gia GGN đã đến Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn khảo sát, thẩm định. Các chuyên gia thẩm định quốc tế đánh giá Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có đầy đủ các thành tố đảm bảo của một thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN), đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Hà Giang trong việc xây dựng Công viên địa chất.

Tháng 10/2010, sau hơn 1 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã chính thức trở thành thành viên của GGN và đổi tên thành Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Danh hiệu này đã khẳng định quyết tâm đúng đắn của tỉnh Hà Giang trong việc tìm hướng đi mới nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho cư dân bản địa.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn - những hoạt động tiêu biểu

Công viên địa chất toàn cầu là một mô hình mới ở Việt Nam, để xây dựng và vận hành tốt, Hà Giang đã gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành trung ương rất nhiều chương trình, kế hoạch đã được triển khai và thu được những kết quả cao.

Trong 10 năm qua, chương trình giáo dục cộng đồng toàn diện cho các đối tượng trên vùng Công viên địa chất được triển khai tương đối tốt. Sau thời gian tích cực triển khai người dân đã có những nhận thức và chuyển biến tích cực. Từ việc làm kinh tế theo mô hình tự túc tự cấp, người dân đã biết làm du lịch, chăn nuôi và trồng trọt các sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách, tận dụng những giá trị truyền thống như: kiến trúc, lễ hội, trang phục, ẩm thực,… để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là các thế hệ học sinh - chủ nhân tương lai của Công viên địa chất đã có những nhận thức mới về giá trị di sản trên Công viên địa chất, tham gia gìn giữ và phát huy các giá trị di sản trên mảnh đất của chính mình.

 

Tuyên truyền kiến thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất tại Niêm Sơn (Mèo Vạc)

Chương trình Đối tác chính thức của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn triển khai năm 2014 đã được các chuyên gia thẩm định của GGN đánh giá cao về sự sáng tạo cũng như ý nghĩa, mục tiêu của nó. Đây là một chương trình nhằm từng bước xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch Quốc gia, đồng thời thực hiện khuyến nghị của GGN về kêu gọi sự tham gia của các đơn vị sản xuất, dịch vụ du lịch vào việc xây dựng và quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển du lịch trên Công viên địa chất.

Bên cạnh các hoạt động tích cực nhằm phát triển du lịch của địa phương, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã là địa danh quen thuộc cho các nghiên cứu sinh, nhà khoa học và cho ra đời các đề tài quan trọng. Có rất nghiên cứu sinh, nhà khoa học đến từ: Đại học Leuven (Bỉ); Đại học quốc gia Hà Nội; Hội Địa chất Hàn Quốc, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản,…

10 năm gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) Hà Giang đã có những thay đổi rõ nét. Du khách đến với Hà Giang tăng mạnh qua từng năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21,8 triệu/năm. Có được kết quả đó, cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước phải kể đến sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC giai đoạn 2013 - 2020; UBND tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch theo từng năm và từng giai đoạn cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành T.Ư cũng như các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng, bảo tồn, phát huy giá trị của Cao nguyên đá.

Công tác quảng bá được thực hiện tương đối toàn diện bằng nhiều hình thức. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song hàng năm tỉnh Hà Giang vẫn dành một nguồn kinh phí lớn để hỗ trợ, động viên và khuyến khích đồng bào, các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở rộng sản xuất, xây dựng các sản phẩm du lịch.

Định hướng trong dài hạn, Hà Giang quyết tâm đưa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đạt được các mục tiêu sau:

1. Đảm bảo tiếp tục duy trì danh hiệu của UNESCO. Trong đó hệ thống di sản tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị 1 cách bền vững.

2. Là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế du lịch bền vững của tỉnh, vùng và là khu du lịch quốc gia có chất lượng tốt, doanh thu cao, phát triển bền vững. Song hành với đó là bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội cho vùng cực Bắc tổ quốc.

3. Nhận thức, hành động của chính quyền, nhân dân, du khách và doanh nghiệp ngày càng hướng đến phát triển bền vững, cân bằng.

4. Tiếp tục xứng đáng vai trò là người anh cả trong Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam; tham gia tích cực vào hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

5. Là điểm đến an toàn, linh hoạt với những thách thức ngày càng đa dạng, phức tạp trong phát triển du lịch với đại dịch covid-19 là 1 ví dụ.

 

Dưới chân Mã Pì Lèng (Ảnh: Hùng Cường)

Thời gian tới, tỉnh Hà Giang cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Hà Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội để tạo môi trường thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Hà Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ; các Bộ, ngành T.Ư có liên quan; các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế để Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn phát triển bền vững.

Một lần nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Hà Giang, chúng tôi cam kết sẽ đồng lòng, nhất trí cùng toàn thể nhân dân Hà Giang, vượt qua những khó khăn, thách thức mới, quyết tâm xây dựng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn giàu mạnh, môi trường trong sạch, là điểm đến an toàn, an lành, phát triển bền vững, tiếp tục là 1 “vùng đất kiên cường” theo đúng khẩu hiệu mà Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN đã đưa ra: Geoparks

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 213
  • Trong tuần: 5 172
  • Tất cả: 947629

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay