Từ
lâu, Cao nguyên đá đã là địa bàn phân bố của nhiều dân tộc anh em: Mông, Dao,
Tày, Nùng, Giáy, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, Hoa và Kinh; trong đó, người Mông
chiếm hơn 50% dân số. Hầu hết các dân tộc đang cư trú ở Cao nguyên đá đều sống
dựa vào nông nghiệp trồng trọt. Địa hình của cao nguyên hùng vĩ và nhiều cảnh đẹp
song lại gặp không ít khó khăn cho hoạt động nông nghiệp. Do không có điều kiện
làm ruộng nước, cư dân ở đây chủ yếu canh tác trên nương mà ở đó diện tích đất
trồng cũng rất manh mún. Hầu hết nương rẫy nằm xen giữa các dải đá lộ đầu nhiều
chỗ, các loại hạt được gieo ngay trong hốc đá.
-
Nhà ở
Phổ
biến trong các dân tộc ở đây là nhà trình tường, 3 gian hoặc 5 gian lợp tranh,
ngói máng. Phần tường thường trình dày, 40 - 45cm, bao giờ cũng được trình bằng
đất sét cứng, có pha lẫn sỏi cuội hoặc dăm đá nên có sức chịu lực lớn và đô bền
cao. Với môi trường sống trên các sườn núi cao, khí hậu lạnh, khắc nghiệt,… thì
ngôi nhà trình tường dày bằng đất, lợp ngói âm dương là phù hợp nhất, vừa giữ ấm
về mùa đông, vừa mát mẻ về mùa hè và vừa có thể chống được kẻ gian, thú dữ.
Ngoài ra, một số dân tộc trên Cao nguyên đá còn có loại hình nhà nửa sàn, nửa đất;
phần trước là sàn, phần sau là nền đất cũng là dạng đặc biệt mà hiện nay hầu
như không còn ở các dân tộc thiểu số nước ta cũng là một nét riêng trong kiến
trúc nhà ở của vùng Cao nguyên đá.
Kiến trúc nhà
trình tường đặc trưng trên khu vực Công viên địa chất
(ảnh: Internet)
Mỗi
gia đình thường có một khuôn viên, trong đó có các kiến trúc như nhà ở, chuồng
gia súc và vườn nhà. Mỗi khuôn viên thường có bờ rào xếp bằng đá cũng là nét đặc
trưng của vùng Cao nguyên đá.
-
Trang phục
Bộ
y phục của nam giới ở các dân tộc ở đây nhìn chung là tương đối thống nhất. Bộ
nam phục gồm có khăn đội đầu, áo, quần đều được may bằng vải đen hoặc chàm; quần
may theo kiểu chân què, cạp lá tọa, đũng và ống đều rộng; áo bà ba, xẻ ngực, có
2 - 4 túi.
Y
phục của nữ giới phong phú hơn, gồm khăn đội đầu, áo, váy (quần), thắt lưng, tạp dề, xà cạp,… và được trang trí khá cầu
kỳ. Bên cạnh một số nhóm tộc người thêu hoa văn như nhóm Lô Lô Đen…, nhưng phổ
biến là bằng cách đáp những miếng vải hình tam giác, hình vuông… nhiều màu. Đây
là nét đặc trưng trong bộ y phục của phụ nữ các dân tộc vùng Cao nguyên đá.
Ngoài ra, trong trang trí hoa văn của các dân tộc ở đây, nhất là người Mông,
Dao còn phải kể đến kỹ thuật vẽ bằng sáp ong.
Phụ
nữ các dân tộc ở đây thích dùng các đồ trang sức bằng bạc như nhẫn, vòng tay,
vòng cổ, xà tích. Đồ trang sức nam giới các dân tộc hầu như không dùng, nhưng
riêng người Mông ở vùng Cao nguyên đá này vẫn đeo vòng cổ (ngày lễ tết đi chơi
họ còn đeo đủ bộ từ 2 - 7 chiếc), vòng tay, nhẫn và những người đàn ông vào tuổi
trưởng thành bịt vàng răng hàm trên với quan niệm để làm dáng.
-
Hoạt động kinh tế
Trong
số các hệ thống canh tác của các cư dân ở vùng Cao nguyên đá: Hệ thống canh tác
nương rẫy, hệ thống thâm canh lúa nước (ruộng bậc thang), hệ thống vườn - ao -
chuồng - rừng (VACR)…, đáng chú ý hơn cả là hệ thống canh tác trên nương thổ
canh hốc đá. Đây là kiểu canh tác đặc trưng của các tộc người ở vùng Cao nguyên
đá. Ở đây đất đai canh tác hạn chế, các cư dân đã tận dụng những hốc đá để canh
tác bằng cách lấy đất màu, thậm chí ở nhiều nơi họ phải gùi đất màu từ dưới lên
cho vào từng hốc đá để gieo trồng và nếu có bón phân để tăng năng suất, người
ta bón trực tiếp vào các hốc đá. Đối với hệ canh tác này, đồng bào cũng dùng đá
để be bờ và công cụ chuyên dụng ở đây là chiếc cuốc bướm.
Cày
trên nương đá (ảnh: Chu Việt Bắc)
Bộ
công cụ làm đất của cư dân ở đây khá phong phú, trong đó đáng chú ý và hầu hết
các tộc người vùng Cao nguyên đá đều dùng là loại cày thân cán một tay cầm bắp
cong thuộc họ cày Mông. Các nhà dân tộc học cho rằng, loại cây này có nguồn gốc
từ vùng Cận Đông, xuất hiện từ thiên niên kỳ thứ II trước Công lịch, gắn với
canh tác ruộng khô. Đặc điểm của loại cày này là không có náng, lưỡi to, dày và
cong, nên rất khỏe, rất thích hợp với dạng địa hình còn sót nhiều đá gốc và rễ
cây, nên người ta dùng không chỉ cày ruộng mà còn cày được cả nương có nhiều đá
và rễ cây.
Chân
nuôi ở đây khá phát triển, nhất là ngựa, trâu bò, dê, lợn… Các giống nuôi chủ yếu
là giống địa phương, chậm lớn, vóc dáng nhỏ nhưng rất thích hợp với điều kiện
khí hậu, địa hình của vùng Cao nguyên đá. Tuy vậy, cũng có nhiều giống nổi tiếng
mà đồng bào cả nước đều biết như chó Mông, ngựa Mông, lợn Mông,… Chó Mông nổi
tiếng không chỉ to cao mà còn rất “khôn”, giúp nhiều lợi ích trong việc đi săn
và giữ nhà. Ngựa của người Mông không những dùng để cưỡi, thồ hàng vùng cao, mà
còn dùng làm cảnh và người Mông là những người đua ngựa rất tài và dong ngựa
cũng rất giỏi.
Qua
đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, vải lanh đã trở thành các sản phẩm
yêu thích của nhiều du khách (Ảnh: Internet)
Trong
quá trình mưu sinh, các tộc người ở vùng Cao nguyên đá có nhiều nghề thủ cổng
như nghề dệt, nghề chế tác gỗ, nghề rèn đúc, nghề làm gốm, nghề đan lát mây
tre… Nhiều nghề đã đạt trình độ kỹ thuật khá cao được nhiều người trong và
ngoài nước biết tới. Nghề dệt vải và may trang phục với kỹ thuật thêu, vẽ, ghép
vải, in sáp ong… đã tạo nên những hoa văn rực rỡ tinh tế, đa dạng và hiệu quả,
khiến cho hoa văn trên những tấm vải, trang phục có sự chuyển động phong phú,
vui mắt. Các cư dân ở đây ưa dùng các đồ gia dụng bằng gỗ, từ những vật dụng nhỏ
nhặt như chiếc muôi ăn cơm, chậu rửa, thùng đựng nước, chõ đồ xôi đến khung dệt,
cày, bừa, yên ngựa và cả những nếp nhà để ở nên nghề mộc tương đối phát triển.
Những người thợ mộc ở đây đã ghép được những thùng gỗ đựng nước, xách cám lợn…
mà không hề bị chảy nước. Nhiều sản phẩm của họ không chỉ để dùng trong gia
đình mà còn được trao đổi trong các chợ phiên. Đặc biệt, nói đến nghề thủ công
của các tộc người ở vùng Cao nguyên đá, nhất là người Mông, phải nói tới nghề
rèn đúc. Họ đúc được những lưỡi cày bằng gang không chỉ sắc ngọt mà còn khỏe,
cày được ở nương có nhiều rễ cây và sỏi đá. Con dao của người Mông nổi tiếng sắc,
bền, chuôi dao, chuôi cuốc bướm, cuốc bàn họ làm chắc hơn cả hàn xì bằng điện.
Nòng súng kíp của người Mông bền chắc, tạo tiếng nổ đanh và đường đạn chuẩn xác
được nhiều tộc người trong vùng ưa chuộng cũng chỉ được khoan bằng tay…
-
Phong tục tập quán
Cũng
như nhiều tộc người khác, phong tục tập quán của các tộc người ở vùng Cao
nguyên đá cũng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, mỗi tộc người thể hiện có sự
khác nhau, nhưng có thể thấy nổi lên những phong tục tập quán chung cho các tộc
người và có thể nói là đặc trưng riêng của vùng Cao nguyên đá. Trong hôn nhân họ
theo chế độ phụ quyền, trước kia hầu hết các dân tộc ở đây đều có tục “bắt vợ”
hay “kéo vợ”. Tục này diễn bởi nhiều lý do: đôi trai gái yêu nhau nhưng cha mẹ
của một trong hai bên không đồng ý; con trai thích nhưng con gái không đồng ý,
cũng có khi nhà trai dùng quyền thế “cướp” cô gái về làm vợ. Hay như trong tang
ma, các tộc người Mông, Cờ Lao, Pu Péo ngoài tổ chức đám ma tươi như nhiều tộc
người khác, họ còn phải tổ chức đám ma khô. Nhiều dân tộc ở nước ta có lễ thành
đinh, đánh dấu sự trưởng thành của con người, nhưng ở Hà Giang nói chung, ở
vùng Cao nguyên đá nói riêng, người Mông thể hiện bằng thêm tên (hay còn gọi là
lễ đổi phụ danh - tên lót/tên đệm), còn người Dao lại bằng Lễ cấp sắc…
-
Lễ tết
Nhìn
chung, các dân tộc ở vùng Cao nguyên đá đều ăn tết Nguyên đán và đây là tết lớn
nhất trong năm của họ. Tuy mỗi dân tộc có những sắc thái riêng, nhưng đều có
chung đặc điểm là họ chuẩn bị rất chu đáo rượu, thịt, các loại bánh… và trong
ngày tết, mọi người ăn mặc với những bộ quần áo mới, đẹp nhất và mang nhiều đồ
trang sức. Trong ngày tết, họ còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian khác như đánh
cù, đánh yến, bắn súng, bắn nỏ, múa khèn… Ngoài ra, các dân tộc ở đây còn có
các ngày tết khác như tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), Thanh minh (mồng 3
tháng 3), Đoan ngọ (mồng 5 tháng 5)…
-
Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ
Trong
số các hoạt động văn hóa, văn nghệ của các dân tộc ở vùng Cao nguyên đá, nổi
lên là bộ nhạc cụ khá phong phú của người Mông như khèn, kèn lá, đàn môi, sáo…
Điều đáng chú ý, trong khi thổi khèn có kết hợp với múa. Múa khèn dùng trong
nhiều hoàn cảnh như trong đám ma tươi, ma khô, vui chơi, hội hè và có 2 kiểu
múa: múa thường (múa điệu bộ) và múa võ (dùng đến các động tác võ).
Tiết
mục múa khèn trong dịp lễ hội của đồng bào dân tộc Mông luôn thu hút du khách (Ảnh:
Kim Tiến)
Khi
nói đến người Lô Lô, người ta luôn nhắc tới một loại nhạc cụ mà hiện nay không
có tộc người nào sử dụng nhưng hiện hữu vẫn còn là trống đồng. Đây là loại nhạc
cụ truyền thống của đồng bào, dùng làm nhạc cụ đệm cho nghi thức lễ múa ma khi
có người chết và xưa kia dùng cả vào dịp nhảy múa trong những ngày tết tháng 7.
Trống đồng Lô Lô hiện đang được trưng bày ở nhiều bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử
Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Hà Giang,…
Trong
các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của dân tộc ở vùng Cao nguyên đá, không thể
không nhắc tới các ngày chợ phiên ở đây. Chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi
hàng hóa của các cư dân trong vùng mà quan trọng hơn là nơi sinh hoạt văn hóa của
họ, đã tập trung sự chú ý của nhiều du khách thập phương. Trong khu trưng bày
thường của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có một gian giới thiệu phiên chợ vùng
Cao nguyên đá này - chợ phiên ở thị trấn Đồng Văn.
Trên
đây là một số nét văn hóa tiêu biểu, cả văn hóa vật thể, cả văn hóa phi vật thể
của riêng vùng Công viên địa chất toàn càu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Với
những nét đẹp đặc trưng của tự nhiên, những nét đẹp văn hóa truyền thống địa
danh này đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Nguyễn Nhung
BQL CVĐC TC CNĐ Đồng Văn