Sủng Máng là một xã thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2023, xã Sủng Máng có 581 hộ, trên 2.900 nhân khẩu, với 8 dân tộc cùng sinh sống; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 62,8%. Những năm qua, xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc đã tập trung lãnh đạo, vận động bà con nông dân khai thác thế mạnh của địa phương, duy trì và phát triển các nghề truyền thống, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Mặc dù bị tác động bởi kinh tế thị trường nhưng nghề làm hương truyền thống của người Dao xã Sủng Máng vẫn tồn tại cho tới nay.
Làm hương không quá vất vả nhưng rất kỳ công, phải chuẩn bị que được chẻ nhỏ từ cây mai, bột gỗ mục và một số hương liệu xay nhuyễn, trải qua 8 công đoạn thì mới thành nén hương được. Để hoàn thiện nén hương thơm thuần chất, theo những người làm hương lâu năm, quan trọng là công thức pha bột hương. Nếu pha trộn tỷ lệ bột không đều nén hương sẽ không dính, không có mùi thơm đặc trưng của lá cây, hương gỗ.
Cây hương đẹp là sau khi lăn đi lăn lại tạo thành nét to đẹp, đều, tròn trịa... Khi lăn hương, người làm dùng cán hương nhúng vào xô nước, sau đó đem ra lăn qua lăn lại trên lớp bột khô đã được trộn sẵn, rồi lại nhúng nhanh vào xô nước mang ra tiếp tục lăn đến khi nào đạt tiêu chuẩn thì thôi, đây là công đoạn quyết định mẫu mã và cả chất lượng của nén hương.
Sản phẩm được phơi nắng nhiều ngày, nếu gặp trời mưa thì phơi cạnh bếp. Tuy nhiên, do tính đặc trưng nên sản phẩm cũng chỉ bán được theo mùa, nhiều nhất vào dịp rằm tháng Bảy và những ngày lễ, tết.
Mặc dù trên thị trường có rất nhiều loại hương, nhưng hương của người Dao hai xã Sủng Máng và Sủng Trà huyện Mèo Vạc luôn được đồng bào các dân tộc vùng cao ưa chuộng, tin dùng bởi hương cháy đượm, sử dụng các nguyên liệu hoàn toàn thủ công bằng thảo mộc tự nhiên, không trộn hóa chất nên không gây hại cho sức khỏe người dùng; giá cả phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân địa phương.
Nghề làm hương ở xã Sủng Máng huyện Mèo Vạc đã tạo việc làm cho một số hộ tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, việc sản xuất hương còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư tương xứng với tiểm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, người dân làm nghề chủ yếu bằng kinh nghiệm vốn có, chưa hình thành làng nghề. Mỗi cây hương làm ra không chỉ chứa đựng mồ hôi, công sức của người làm mà đó còn là nét đẹp văn hóa giữa người sống và thế giới tâm linh.
Ngọc Phượng