image bannerimage banner
Sắc màu Quản Bạ
Cỡ chữ Tương phản
Quản Bạ là huyện biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, là cửa ngõ vào cao nguyên đá Đồng Văn - địa đầu Tổ quốc. Trung tâm của huyện là thị trấn Tam Sơn, nằm cách thành phố Hà Giang khoảng gần 50km. Độ cao trung bình của Quản Bạ từ 1.000 - 1.600m, địa hình của vùng khá dốc, thung lũng và sông núi bị chia cắt nhiều nên cảnh sắc thiên nhiên rất nên thơ, hùng vĩ. Tôi thường rời thành phố Hà Giang từ rất sớm, cỡ 5 giờ sáng, để đến Quản Bạ đúng lúc mặt trời lên, khi sương chưa kịp tan trên triền núi. Một bức tranh thủy mặc và lãng mạn đến sững sờ.
anh tin bai

         Đường từ Hà Giang lên Quản Bạ rất đẹp, lúc chạy song song dọc theo sông Nậm Điêng, lúc căng ngang giữa bản làng thung lũng, lúc thắt lại giữa hai bức tường đá cao sừng sững, lúc chênh vênh vắt vẻo lưng chừng trời. Nếu lần đầu lên Hà Giang, có lẽ ai cũng bị ngợp bởi con đường chạy qua khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang và Bát Đại Sơn. Có lần, khi chạy xe đến Minh Tân, nơi mà ngước mắt nhìn lên, bạn sẽ thấy dòng chữ “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn” nằm trên vách núi, tôi thực sự bị bất ngờ khi chứng kiến bản phối màu của núi rừng, nắng sớm và mây trắng. Tinh khôi, trong trẻo, những ray nắng huyền bí xuyên qua tầng cây, tạo nên một khung cảnh kỳ diệu. Hơi gió lạnh tỏa ra từ vách núi càng làm cho không gian thêm quyến rũ và gọi mời.

         Tôi dừng xe trên đỉnh đèo Bắc Sum và nhìn ngược về Minh Tân. Con đường uốn lượn dích-dắc ở bên dưới kia, lẫn giữa mảng màu xanh thẫm của cỏ cây, những mái nhà nhấp nhô bé xíu, và những đám sương trắng bồng bềnh. Chiếc xe chậm chạp leo dốc, vào cua khá gắt, đường vắng tanh không một bóng người, hãn hữu lắm mới gặp vài chiếc xe máy chạy ngược chiều.

         Chợ phiên Quyết Tiến là chợ phiên miền núi đầu tiên trong đời tôi ghé qua. Thời đó, chợ họp dưới chân núi, gần sát đường lộ, thênh thang giữa đất và trời. Sau này, khi cuộc sống khá giả hơn, chợ đã được xây dựng thành các dãy nhà, có phân loại hàng hóa và có tường bao, làm giảm đi vẻ hoang sơ ban đầu. Nhưng đây vẫn là một nơi đầy màu sắc bởi sự góp mặt của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Bố Y. Người mang chó, kẻ dắt lợn, phụ nữ thì gùi quẩy tấu đầy ắp rau cải mèo. Bò, ngựa đứng chồn chân bên vách núi, từ sáng sớm đến khi chợ tan. Rồi thế nào cũng thấy đàn ông ngất ngưởng say, có khi ngủ gục dọc đường về.

         Cách thị trấn Tam Sơn khoảng 3km là cổng trời Quản Bạ. Trời mù mịt hơi sương, chỉ thấy thấp thoáng những mái nhà và Núi Đôi danh tiếng. Con đường cong cong lúc mờ lúc tỏ, một nhóm người Tày địu củi trĩu vai ở trong rừng bước ra, bước chân vội vàng, hối hả, chẳng mấy chốc lại khuất dạng sau đám cây rừng.

         Lên xe chạy thêm khoảng nửa cây số, là đến một “vọng cảnh đài” lộ thiên ngay trên đường quốc lộ 4C, nơi có thể dừng chân và ngắm nhìn thị trấn Tam Sơn thỏa thích. Mặt trời vén mây nhìn xuống, những ruộng lúa vàng sáng bừng rạng rỡ. Một góc thị trấn sầm uất với những mái nhà nâu, đỏ. Núi đôi hay còn gọi là núi Cô tiên tựa như đôi gò bồng đảo của người thiếu nữ xanh một màu ngà ngọc. Tôi thấy ngẩn lòng, có thể nào không phải lòng một Quản Bạ khoáng đạt và sắc màu như thế này không?

         Từ thị trấn Tam Sơn đi về phía Tây chừng 20km, có lẽ ít người hình dung được ở phía sau những dãy núi đá nhấp nhô trùng điệp ấy lại có nhiều hình ảnh và câu chuyện thú vị đến vậy. Con đường cheo leo vắt vẻo đi về với bản làng chênh vênh vách núi. Nơi cuộc sống trầm lặng và giản dị. Và một phiên chợ vùng cao sắc màu.

         Cao Tả Tùng là chợ phiên của ba xã vùng sâu vùng xa: Cao Mã Pở, Tả Ván, Tùng Vài thuộc huyện Quản Bạ - Hà Giang. Đây là ba xã nằm trên khu vực sát với biên giới Trung Quốc, nơi mà các tuyến đường giao thông còn chưa phát triển nên việc tiếp cận không hề đơn giản. Chợ Cao Tả Tùng họp vào thứ 6 hàng tuần, là phiên chợ quan trọng nhất về thương mại cũng như văn hóa tinh thần của bà con dân tộc ít người quanh vùng.

         Cũng giống như nhiều phiên chợ khác, chợ phiên Cao Tả Tùng (được gọi bằng cách ghép ba từ đầu của ba xã lại với nhau) mang ý nghĩa thông thường là nơi trao đổi và mua bán hàng hóa, từ những sản vật nông nghiệp và đơn giản nhất như rau, củ quả, lá thuốc; các loại động vật nuôi trong nhà như chim chó, gia cầm, chó, mèo, lợn, bò, ngựa cho đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như quần áo, vải vóc, nồi niêu, xoong chảo, công cụ, dụng cụ lao động.

         Chợ phiên Cao Tả Tùng nằm giữa một lòng thung lũng trũng sâu, xung quanh núi đá giăng thành bốn bề che kín như lòng chảo. Thường bà con dân tộc từ ba xã nói trên ra đến chợ cung phải mất vài giờ đồng hồ đi bộ. Cao Tả Tùng không quá ồn ào và náo nhiệt, ở chốn biệt lập này, đến người đi chợ còn không nhiều, nói gì đến khách lãng du, một năm may ra có vài người lạc bước. Chợ cùng được chính quyền kiên cố hóa bằng vài dãy nhà bê tông cốt thép lợp mái tôn đỏ rực, nhưng bà con vẫn có thói quen họp chợ trên đường và trên những khoảng đất trống.

         Con đường chính dắt vào chợ là nơi cánh đàn ông trong màu áo chàm đen, mũ nồi đội hờ hững trên đầu hay tụ tập. Có vài gian hàng bán đồ ăn sáng và có bao câu chuyện để những người đàn ông ấy rủ rỉ với nhau bên chén rượu nhạt. Có chú chim không tên khoác bộ lông rực rỡ đứng co ro trên cành cây bị chằng vào chiếc xe máy. Có lẽ người chủ của chú chim đã say khướt ở một góc chợ nào. Bên kia đường có tới 5-7 người bán cây thuốc nhưng chỉ có một người thu mua, đếm từng gốc, từng cây. Khi tôi hỏi, cây này để làm gì, họ chỉ trả lời đơn giản là cây thuôc! Và lại chăm chú đếm không nói thêm điều gì. Cần mẫn và lặng lẽ, một chút tò mò dành cho người khách lạ tan đi ngay, như thể tôi cũng giống những cái cây đang đứng ở trên rừng mà thôi.

         Chợ Cao Tả Tùng không quá lớn, đi dăm phút đã quay về chốn cũ. Phụ nữ say sưa mua sắm và bán hàng. Mấy cô người Dao khúc khích cười khoe ra hàm răng bịt vàng lóng lánh, tranh nhau ngó vào màn hình máy ảnh và trao đổi ồn ã bằng thứ tiếng bản địa. Mấy cô gái Mông tung tẩy đi chọn đồ, mua váy mới, giày mới, khăn quàng mới, rộn ràng từng góc chợ.

         Tôi tò mò theo gót mấy cô gái trẻ tới một hiệu ảnh ở cuối chợ. Có lẽ họ đã chụp ảnh từ phiên chợ trước, tới phiên chợ này quay lại hiệu ảnh để được trả ảnh. Cô nào cũng vừa xem hình vừa tủm tỉm cười, rồi quay sang bạn thầm thì to nhỏ. Niềm vui nhẹ nhàng và giản dị, khiến tôi thấy lòng mình như chùng lại. Sau này, khi trở về Hà Nội và xem lại những tấm hình đã chụp, tôi đã không hề bắt ngờ khi cả một chuỗi những bức ảnh tôi đã bấm đều là câu chuyện và hình ảnh về những người phụ nữ ở phiên chợ Cao Tả Tùng.

         Đêm Tam Sơn. Ly rượu ngô Thanh Vân uống vào làm mềm môi, hồng má. Lạnh và cô độc. Mùa này Quản Bạ giàu sắc màu, màu xanh thẫm của núi rừng, màu vàng ruộm của cánh đồng lúa chín, màu ghi nhạt của khói sương bảng lảng. Ngày tôi rời Tam Sơn, tiếng chày đập lúa từ đáy thung lũng vang lên mơ hồ da diết, nhắc tôi sẽ phải quay lại nơi này, cho dù em đã không còn đứng trên vọng cảnh đài đợi tôi…

Thủy Trần

 

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 571
  • Trong tuần: 6 669
  • Tất cả: 724553

Liên hệ với chúng tôi

Liên hệ ngay